Hải sản chứa hàm lượng protein cao, giàu dưỡng chất, các axit béo omega-3, hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Tuy nhiên, nó cũng đứng trong top nhóm thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao.
Dị ứng là nguy cơ chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Mức độ dị ứng tùy thuộc vào loại hải sản bạn ăn, nhẹ thì là cảm giác nóng ruột, nổi mề đay, ban đỏ khắp người; nặng hơn bạn dễ bị nôn, đi ngoài, tụt huyết áp, khó thở, thậm chí có thể bị tử vong do sốc phản vệ.
Ngoài ra, bạn có thể bị nhiễm độc thủy ngân hoặc nhiễm sán hay kí sinh trùng có trong hải sản nhất là hải sản sống trong vùng nước ô nhiễm. Do đó, việc tìm hiểu và ghi nhớ những nguyên tắc phòng chống dị ứng, ngộ độc hải sản là rất quan trọng.
Trước hết, tuyệt đối không nên ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc. Bạn cũng không nên ăn hải sản có màu sắc khác thường vì chúng có thể sống trong vùng nước ô nhiễm. Ngoài ra, bạn nên lưu ý những điều sau:
Ai nên hạn chế hoặc không nên ăn hải sản?
- Người có tiền sử dị ứng với một vài hay tất cả các loại hải sản.
- Người có tỳ vị hư hàn.
- Người mắc các bệnh như: phong thấp, cao huyết áp, các bệnh về tim, bệnh mỡ trong máu cao, các bệnh liên quan tới đường ruột...
Khi ăn hải sản không nên
- Uống bia: Bởi phần lớn hải sản sau khi ăn đều tạo thành chất kết tủa C5H4O3N4 có hại cho sức khỏe, trong khi uống bia lại cản trở việc loại bỏ chất trên ra khỏi cơ thể. Hơn thế, nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh, uống bia nhiều khi ăn hải sản sẽ tăng nguy cơ bị bệnh gout.
- Ăn trái cây tráng miệng ngay lập tức. Các loại hoa quả như hồng, nho, lựu, sơn trà... sẽ làm giảm nhiều chất dinh dưỡng có trong hải sản. Đặc biệt, acid có trong hoa quả sẽ dễ dàng kết hợp với calcium có trong hải sản gây khó tiêu, đau bụng, thậm chí buồn nôn. Vì vậy, tốt nhất bạn chỉ nên ăn hoa quả sau khi ăn hải sản được 2 tiếng.
- Đặc biệt, không nên dùng lượng lớn vitamin C sau khi ăn tôm, vì nó có thể tạo thành một loại thạch tín dẫn đến tử vong.
Bà bầu và trẻ nhỏ đặc biệt lưu ý
- Tuyệt đối tránh những loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như: cá mập (còn gọi là cá nhám), cá kiếm, cá thu, cá hồi (loại lớn), cá kình.
- Mỗi tuần, chỉ ăn tối đa 300gr (2 bữa ăn) các loại hải sản chứa hàm lượng thuỷ ngân thấp hơn: tôm, cá ngừ trắng đóng hộp, cá hồi, cá minh thái và cá trê.
Sơ cứu khi bị dị ứng, ngộ độc hải sản
- Đầu tiên, cần kích thích để người bị ngộ độc nôn để tránh chất độc ngấm sâu vào cơ thể. Cách làm: pha một cốc nước muối loãng rồi cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
- Để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol cho người bệnh uống. Nước sẽ giúp bù và chống lại tình trạng thiếu nước, đồng thời giúp trung hòa độc tố trong cơ thể người bệnh. Nếu không có orezol bạn có thể thay thế bằng 1/2 thìa cà phê muối và 4 thìa cà phê đường.
- Lưu ý: Nếu bệnh nhân bị hôn mê tuyệt đối không tiến hành gây nôn vì như vậy sẽ rất dễ gây sặc thức ăn hoặc tắc thở. Sau khi sơ cứu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.