Ấn Độ sang trang mới với tân Thủ tướng

Tân Thủ tướng Ấn Độ được coi là sẽ ảnh hưởng lớn lên vũ đài chính trị quốc tế. Ảnh: Manish Swarup
Tân Thủ tướng Ấn Độ được coi là sẽ ảnh hưởng lớn lên vũ đài chính trị quốc tế. Ảnh: Manish Swarup
TP - Thủ tướng thứ 15 của Ấn Độ Narendra Modi hôm qua nhậm chức trong buổi lễ được coi là mang tính lịch sử, nhằm khẳng định vị trí của chính trị gia này trên vũ đài chính trị thế giới sau chiến thắng đáng kinh ngạc trong cuộc bầu cử, và có thể mở ra giai đoạn mới trong quan hệ với các nước láng giềng đối đầu.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, các lãnh đạo khắp khu vực Nam Á được mời đến dự lễ nhậm chức tại dinh tổng thống ở New Delhi, trong đó có cả Thủ tướng Pakistan - ông Nawaz Sharif. 

Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata (BJP) và các đồng minh chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử trong tháng này, loại bỏ triều đại Nehru-Gandhi để đảm nhận sứ mệnh cải cách nền kinh tế Ấn Độ. 

Khoảng 4.000 khách mời tham dự lễ nhậm chức, khiến đây trở thành buổi lễ tuyên thệ lớn nhất Ấn Độ từ khi nước này độc lập. Thậm chí trước khi nhậm chức, ông Modi đã tạo ra nhiều đợt sóng trên vũ đài quốc tế vì ông bị cho là đã để xảy ra vụ bùng phát bạo lực cách đây 12 năm ở Gujarat - bang miền tây nơi ông từng lãnh đạo.

 Chính trị gia 63 tuổi này đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ và Nga, và ông cũng là 1 trong 3 người mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe theo dõi trên Twitter. Chính quyền Mỹ từ chối cấp visa cho ông Modi năm 2005, nhưng Tổng thống Barack Obama giờ đã mời ông đến Nhà Trắng.

Nhân dịp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhậm chức, Tổng Bí thư Nguyễn Pahú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chúc mừng.

Nhiều người ủng hộ cho rằng, ông Modi mang tư tưởng tự do kiểu mới giống như cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hay cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Chính trị gia này cũng được cho là có triển vọng trở thành Đặng Tiểu Bình của Ấn Độ để đưa nền kinh tế Ấn Độ thay đổi ngoạn mục. 

Ông Modi vừa thông báo sẽ sắp xếp lại chính phủ để xây dựng một hệ thống tập trung hơn, chấm dứt cơ chế ra quyết định kiểu nút thắt cổ chai, cơ chế mà nhiều người cho rằng đã kéo lùi nền kinh tế. Ông Modi tuyên bố sẽ bổ nhiệm các siêu bộ trưởng để quản lý nhiều bộ cùng lúc, nhằm giúp các bộ phối hợp với nhau tốt hơn.

BJP lâu nay vẫn có quan điểm cứng rắn đối với nước láng giềng Pakistan (3 cuộc chiến tranh nổ ra giữa hai nước kể từ khi Ấn Độ giành độc lập từ Anh năm 1947), và ông Modi được coi là người theo đường lối cứng rắn đối với các vấn đề an ninh quốc gia. Trong bối cảnh đó, quyết định mời Thủ tướng Pakistan Sharif tới dự lễ nhậm chức và đối thoại song phương khiến nhiều người ngạc nhiên và hy vọng quan hệ giữa hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tốt lên.

Thách thức với Trung Quốc?

Ấn Độ là nước lớn nhất ở Nam Á, nhưng quan hệ không tốt đẹp với các nước láng giềng của họ tạo cơ hội để Trung Quốc lấp vào chỗ trống. Trung Quốc đã xây một cảng biển ở Sri Lanka và đang tham gia nâng cấp một cảng ở Bangladesh, bên cạnh việc viện trợ dân sự và quân sự cho đồng minh Pakistan lâu đời.

Những động thái này khiến New Delhi ngày càng lo ngại. Hồi tháng 2, khi vẫn là ứng viên đang tranh cử, ông Modi đã tuyên bố Trung Quốc phải từ bỏ “tư tưởng bành trướng”, rằng không có cường quốc nào trên Trái đất có thể giật bang Arunachal Pradesh khỏi Ấn Độ.

Một số nhà quan sát cho rằng, Thủ tướng mới của Ấn Độ là tín hiệu cho thấy New Delhi sẽ có vai trò lớn hơn trên vũ đài địa chính trị châu Á. Đặc biệt, một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn của Ấn Độ sẽ đối trọng với Trung Quốc và có lợi cho Mỹ và Nhật Bản. Yếu tố cản trở duy nhất chính là yêu cầu phải phục hồi nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm lại những năm gần đây. 

Báo chí Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia chính phủ ca ngợi ông Modi sẽ là “Nixon của Ấn Độ”, người sẽ mở rộng đáng kể quan hệ thương mại với Trung Quốc. Ông Liu Zhongyi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu thực tiễn quốc tế ở Thượng Hải, bác bỏ lo ngại rằng, ông Modi sẽ là Shinzo Abe của Ấn Độ. Đề cập vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước, ông Liu cho rằng, nếu Thủ tướng Modi hành động giống như Thủ tướng Abe của Nhật Bản thì sẽ “không có lợi cho kinh tế Ấn Độ”.

Khi còn là lãnh đạo bang Gujarat, ông Modi đã 3 lần sang thăm Trung Quốc, lần cuối cùng vào tháng 9/2011. Chính quyền bang này đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty Trung Quốc để lắp đặt trạm biến thế và lò phản ứng ở Vadodara.

Ngược lại, một chuyên gia khác của chính phủ Trung Quốc, ông Hu Shisheng, gần đây nói rằng, ông Modi sẽ có quan điểm “hung hăng” đối với vấn đề biên giới và sẽ tận dụng thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng Dalai Lama để mặc cả với Trung Quốc.

MỚI - NÓNG