Ấn Độ chấn động vụ hiếp dâm, sát hại trẻ em

Sinh viên tấn công xe cảnh sát ở thị trấn Anantnag trong cuộc biểu tình đòi công lý cho bé gái bị hiếp và sát hại ở Kathua. Ảnh: Sameer Mushtaq.
Sinh viên tấn công xe cảnh sát ở thị trấn Anantnag trong cuộc biểu tình đòi công lý cho bé gái bị hiếp và sát hại ở Kathua. Ảnh: Sameer Mushtaq.
TP - Sau vụ hiếp dâm tập thể nữ sinh viên ở New Delhi gây chấn động năm 2012, Ấn Độ một lần nữa lại vừa dậy sóng vì loại tội phạm này. Một bé gái 8 tuổi thuộc cộng đồng người Hồi giáo du mục bị hiếp dâm dã man rồi bị bóp cổ đến chết. Nhưng một số chính trị gia lại xuống đường bảo vệ các nghi phạm.

Vụ việc xảy ra vào tháng 1 năm nay ở làng Rasana, huyện Kathua của vùng Jammu, nhưng không gây nhiều chú ý trên khắp cả nước cho đến tuần trước, khi báo chí đăng tải những chi tiết rợn người xung quanh vụ việc.

Theo cáo trạng của cơ quan điều tra địa phương, bé gái bị bắt cóc ngày 10/1. Nạn nhân bị giam trong một ngôi đền Ấn Độ giáo ở làng Rasana. Tại đó, bé gái bị tiêm thuốc an thần rồi bị hiếp dâm nhiều lần trong suốt 4 ngày trước khi bị bóp cổ đến chết. Bản cáo trạng được nộp lên tòa án xác định Sanji Ram là bị cáo chính gây ra tội ác này.

Cảnh sát địa phương ban đầu điều tra vụ việc nhưng bị cho là đã cố tình phá hủy bằng chứng quan trọng. Hai quan chức cũng bị nêu tên trong bản cáo trạng là dính dáng vào việc phá hủy bằng chứng. Ví dụ, quần áo dính máu đã bị giặt trước khi được gửi đến phòng pháp y để kiểm tra.

Giết gà cho khỉ sợ

Quá trình điều tra sau đó tiết lộ vụ việc này được lên kế hoạch để khiến người Bakarwal khiếp sợ mà phải đi khỏi làng, trong bối cảnh họ bắt đầu định cư ở khu vực này trong mấy năm qua. Người Bakarwal là một cộng đồng Hồi giáo du mục, di cư đến các đồng cỏ trên những triền đồi núi ở Kashmir cùng gia súc của họ trong cả mùa hè rồi ở lại vùng đồng bằng Jammu trong mùa đông. Bản cáo trạng và các tờ báo Ấn Độ cho rằng, đây không phải một vụ phạm tội tình dục đơn lẻ mà là nằm trong âm mưu nhằm vào cộng đồng người du mục.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh tỷ lệ phạm tội chống lại các nhóm thiểu số gia tăng trên khắp Ấn Độ. Tháng 4/2017, một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew (trụ sở tại Mỹ) thực hiện đã xếp Ấn Độ ở thứ hạng thứ 4 trong số 198 quốc gia về mức độ thiếu vị tha tôn giáo.

Từ khi vụ hiếp dâm trên trở thành tiêu điểm trên báo chí Ấn Độ và quốc tế trong tuần qua, nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên khắp bang Jammu và Kashmir rồi lan ra cả nước để đòi trừng phạt nghiêm khắc những kẻ phạm tội và trả lại công lý cho bé gái. Sinh viên khắp vùng Kashmir tổ chức những cuộc biểu tình hòa bình, nhưng trong nhiều vụ tuần hành ở Nam Kashmir, người biểu tình đã ném đá vào lực lượng an ninh. Lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông. Nhiều người bị thương trong những cuộc biểu tình đó.

“Chúng tôi biểu tình ngay từ ngày đầu tiên khi tìm thấy thi thể cô bé trong cánh rừng gần làng. Chúng tôi cũng chặn đường cao tốc Kathua để đòi công lý cho cô bé vô tội”, ông Shahrukh Choudry, một người dân thuộc bộ tộc du mục, nói với tạp chí The Diplomat. Ông Shahrukh cho biết, người dân thuộc cộng đồng Hindu không cho chôn bé gái trong làng họ. Cuối cùng, nạn nhân được an táng tại làng Kanna gần đó.

Chính trị gia bảo vệ nghi phạm

Trong khi những người biểu tình đòi công lý cho nạn nhân, một số chính trị gia thuộc đảng BJP lập ra Diễn đàn đoàn kết Hindu và cố gắng bảo vệ các đối tượng bị buộc tội. Họ tuần hành trên các con đường ở thành phố Jammu mang theo lá cờ 3 màu của Ấn Độ để yêu cầu Cục Điều tra trung ương điều tra vụ việc. Bên cạnh những chính trị gia ít người biết đến, hai bộ trưởng của bang Jammu và Kashmir là Lal Singh (bộ trưởng rừng, môi trường, sinh thái) và Chandar Prakash Ganga (bộ trưởng công nghiệp) cũng xuống đường ủng hộ nghi phạm.

Sự tham gia của hai chính trị gia này vào các cuộc biểu tình gây ra một làn sóng giận dữ ở Kashmir, vùng sinh sống của cư dân chủ yếu theo đạo Hồi. Ở Jammu và Kashmir, đảng Dân chủ nhân dân và BJP liên minh với nhau kể từ năm 2014. Vì thế, chính phủ đang đối mặt những chỉ trích dữ dội từ các đảng đối lập và dân Kashmir sau khi hai bộ trưởng bang Jammu và Kashmir xuống đường ủng hộ nghi phạm. Áp lực đó khiến cả hai ông Lal Singh và Chandar Prakash Ganga phải từ chức hôm 12/4.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra mâu thuẫn giữa người Hindu và cộng đồng người Hồi giáo ở vùng Jammu. Đầu năm ngoái, đảng Panther treo các khẩu hiệu lớn ở Jammu để kêu gọi người dân “làm sạch” thành phố khỏi những người Rohingya và người Hồi giáo từ Bangladesh để bảo vệ văn hóa và bản sắc địa phương.

Hôm 13/4, một ngày sau khi hai bộ trưởng bang Jammu và Kashmir từ chức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phá vỡ im lặng trong vụ việc ở Kathua và vụ cưỡng hiếp một thiếu nữ ở bang Utta Pradesh. “Những vụ việc được nói đến trong 2 ngày qua không thể là một phần của xã hội văn minh. Là một quốc gia, một xã hội, chúng ta phải xấu hổ về điều đó. Tôi muốn bảo đảm với cả nước rằng không thủ phạm nào sẽ được tha, công lý đầy đủ sẽ được thực thi. Con gái của chúng ta cuối cùng sẽ nhận được công bằng”.

Trong khi đó, những người biểu tình cho biết đối mặt với đe dọa và bạo lực. “Hôm 21/1, chúng tôi xuống đường biểu tình để đòi điều tra vụ việc. Những người đi cùng tôi bị đánh đập, tôi cũng vậy. Tôi còn bị tạm giam, nhưng nhờ những người biểu tình, đặc biệt là các bạn sinh viên, mà tôi được thả. Họ cố gây áp lực với tôi”, nhà hoạt động Talib Hussain kể lại.

Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đề nghị chính phủ triển khai lực lượng an ninh để bảo vệ gia đình nạn nhân ở Kathua và luật sư của họ.

Theo Theo The Diplomat, Times of India
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.