Âm tính

0:00 / 0:00
0:00
TP - Như gặp đại địa chấn, cơn hoảng loạn về giấy xét nghiệm kết quả COVID-một dạng giấy thông hành đã diễn ra ở nhiều địa phương. Sự hoảng loạn thể hiện qua biển người, ken dày, chầu chực, tranh nhau lấy kết quả để được lưu thông, để mưu sinh.

Việc này không chỉ mới diễn ra tại TPHCM, mà trước đó trên một số địa phương khác cũng đã xuất hiện.

Sự hoảng loạn của một số người dân bắt nguồn từ lúng túng trong quản trị của nhiều lãnh đạo địa phương. Nếu các đợt dịch trước, sự cực đoan đã có lúc khiến một số nơi đổ đất rào đường ngăn dịch bệnh, thì nay giấy xét nghiệm COVID như một dạng “ngăn sông, cấm chợ” kiểu mới. Hãy thử hình dung giữa biển người (tiểu thương chợ Bình Điền-TPHCM) chờ kết quả xét nghiệm, xuất hiện F0 thì hậu quả sẽ ra sao? Đi xét nghiệm vô tình mắc dịch, lại vô tư giao lưu khắp nơi (vì nghĩ mình âm tính), hậu quả sẽ khôn lường. Kết quả xét nghiệm cũng chỉ có giá trị 72 giờ, chở một chuyến hàng đường bộ Bắc Nam (hoặc do đặc thù công việc quá thời gian đó), người dân mất vài giấy xét nghiệm; trong bối cảnh, không phải nơi nào cũng thuận tiện làm việc này. Chưa hết, cùng một vấn đề nhưng mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Nếu Lào Cai đặt ra quy định khá linh hoạt cho phép người dân lưu thông (trình kết quả xét nghiệm hoặc xét nghiệm nhanh 15 phút có kết quả ngay tại cửa ngõ, hoặc xác nhận tiêm 1 mũi vắc-xin 4 tuần); nhiều địa phương khác ra chỉ lệnh: Có xác nhận âm tính mới được ra vào. Cũng may Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi nhanh quy định buộc người vào địa phương này trình xét nghiệm âm tính.

Dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và nếu dân có hoảng sợ cũng dễ hiểu, nhưng nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương phải trấn an bằng chính sách khoa học, bằng bản lĩnh quản trị. Tránh tình trạng vội vã ban hành rồi hỏa tốc thu hồi những văn bản được ký bằng nỗi sợ trách nhiệm, sợ dịch bệnh thái quá. Quản lý nhà nước mà lập cập như việc mỗi tỉnh công bố một bảng giá xét nghiệm COVID, người dân khó tránh khỏi hoang mang. Kể cũng lạ, người đi máy bay thường khai bằng công nghệ mã hóa QR Code, đường bộ lại bỏ lửng hoặc lác đác có địa phương bắt khai bằng giấy tại chốt kiểm soát. Thậm chí, đã khai QR Code nhưng vào tỉnh nào đó có khi lại phải ra trung tâm y tế gần nhất thực hiện quy trình này một lần nữa.

Trong khi không ít địa phương nghiễm nhiên thừa nhận kết quả xét nghiệm COVID như loại giấy phép con lưu thông, nhiều chuyên gia y tế khẳng định nó chỉ hiệu lực tại thời điểm cho kết quả. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nhiều người phải 5-7 lần xét nghiệm mới cho kết quả chính xác. Chống dịch thì phải quyết liệt, nhưng như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở bộ ngành, địa phương (trong các cuộc họp Chính phủ) luôn phải đảm bảo mục tiêu kép; tránh cực đoan.

Nên nhớ dưới mỗi chữ ký ban hành chính sách là những số phận, thời COVID họ đã vốn mong manh.

MỚI - NÓNG