Ấm nước chè nuôi 6 cử nhân, thạc sĩ

Ấm nước chè nuôi 6 cử nhân, thạc sĩ
TP - Ít ai biết, ấm nước chè xanh từ lâu trong tâm khảm bà đã trở thành “ân nhân” của đời bà Niêm bởi ấm nước chè đã lần lượt đưa 6 đứa con vào giảng đường đại học để trở thành cử nhân, thạc sĩ…
Ấm nước chè nuôi 6 cử nhân, thạc sĩ ảnh 1

Bà Niêm cùng gánh nước chè về bán ở chợ TX Quảng Trị

Đã 22 năm qua, các tiểu thương ở chợ thị xã Quảng Trị cũng như hành khách trên các chuyến tàu xuôi ngược Bắc-Nam dừng lại chốc lát ở ga TX Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn bà có khuôn mặt gầy guộc nhưng phúc hậu tất tả rót nước chè từ chiếc ấm nhôm cũ kỹ trao khách rồi nhận từ tay họ từng đồng tiền lẻ nhàu nát.

O du kích gan dạ

Ngồi đối diện với tôi trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh mướt cây trái ở khu phố 4 (phường 1, TX Quảng Trị), bà thủng thẳng kể: Quê bà ở tận thôn 5, xã Triệu Lăng (Triệu Phong). Năm tròn 16 tuổi (năm 1963), bà đã tham gia du kích xã Triệu Lăng với nhiệm vụ làm giao liên dẫn đường cho bộ đội địa phương (thuộc Tỉnh đội Quảng Trị) hàng chục lần ra đánh Đồn Cửa Việt (đóng ở xã Triệu An cách xã Triệu Lăng khoảng 8-9 km).

Tháng 5/1968, trong một lần bà dẫn 4 anh bộ đội vượt trảng cát ra trinh sát Đồn Cửa Việt, vừa đến địa phận thôn 7, xã Triệu Vân (Triệu Phong) thì bị địch phát hiện. Cuộc chiến không cân sức diễn ra. Sau hai tiếng đồng hồ quần nhau quyết liệt với địch, 4 chiến sỹ ta hy sinh còn bà bị chúng bắt đưa về giam ở Lao xá, Quảng Trị.

Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng bà vẫn không hé răng nửa lời. Giam bà hơn 6 tháng ở Lao xá không khai thác được gì, chúng chuyển bà vào giam giữ ở Nhà tù Phú Tài (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Nhà tù Phú Tài lúc bấy giờ là nơi địch giam giữ gần 1.000 nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung của cả miền Trung. Trong tù, bà cùng với các chị em ngày đêm đấu tranh với bọn cai tù. Năm 1973, bà được trao trả sau thời gian hơn 5 năm, 6 tháng bị tù đày.

Sau chiến thắng 1975, trở về quê hương, bà được xã Triệu Lăng cử đi học lớp bổ túc văn hóa tổ chức ở xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong). Tại lớp học này, bà gặp và cảm thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của thầy giáo dạy bổ túc văn hoá Nguyễn Hữu Tầm ở thôn Phù Lưu (xã Triệu Tài, Triệu Phong) nên quyết định gắn bó đời mình với thầy.

Và trong suốt 22 năm (từ năm 1985 đến nay), bà bán nước chè xanh gom góp tiền nuôi con chồng học đại học, cao đẳng rồi thuốc thang trị bệnh cho chồng.

Cổ tích giữa đời thường

Ấm nước chè nuôi 6 cử nhân, thạc sĩ ảnh 2
Bà Niêm cùng chồng trong căn nhà nhỏ của mình ở khu phố 4 (phường 1, TX Quảng Trị)

Dừng câu chuyện để rót chén nước chè từ chiếc ấm nhôm vẫn thường theo bà rong ruổi từ chợ đến ga TX Quảng Trị bà kể tiếp: Quyết định làm vợ thầy Tầm là nhận lấy cái khổ về mình bởi lúc đó ông đã có 4 con với người vợ trước, đứa lớn học lớp 9 còn đứa bé chưa đầy 8 tháng tuổi (vợ thầy Tầm chết do cuốc phải bom bi khi làm vườn).

Về sống cùng ông, bà tự nhủ phải làm mọi cách để cố gắng bù đắp những mất mát, thiếu thốn tình cảm cho các con chồng. Tình cảm của bà dành cho chúng không phải lúc nào cũng được đón nhận. 

Nhưng cùng với nhịp chảy của thời gian, tấm lòng, tình thương chân thành của bà đã đưa bà cùng các con chồng vượt qua ranh giới “mẹ ghẻ con chồng” đến với sự thương yêu lẫn nhau.

Để các con không vì cuộc sống nghèo khó mà bỏ học, hàng ngày, từ 3 giờ sáng bà đã dậy hái lá chè xanh cho vào chậu rửa sạch đem vò thật kỹ rồi cho vào ấm nhôm, sau đó nấu nước sôi đổ vào hãm chè trong thời gian 40 phút, rót nước chè sang ấm khác để vứt xác chè tiếp tục hãm ấm chè khác.

Hãm như vậy nước chè mới có màu sánh vàng như mật ong, uống vào có vị ngọt ở đầu lưỡi chứ không phải vị đắng chát. Công việc xong xuôi cũng là lúc trời tờ mờ sáng.

Bà quảy gánh nước chè ra chợ bán cho các tiểu thương ở chợ TX Quảng Trị. Bán một vòng ở chợ TX Quảng Trị đến độ 8 giờ sáng, bà ngược lên ga TX Quảng Trị để kịp bán cho khách trên các chuyến tàu xuôi ngược Bắc-Nam đến 11-12 giờ trưa mới về đến nhà.

Đặt gánh nước chè xuống nhà không kịp nghỉ ngơi lấy một phút, bà đã tất tả vào bếp chuẩn bị bữa cơm rau xanh nhiều hơn cá thịt cho chồng cùng các con. Cơm trưa xong, bà lại quay quả vào rừng hái củi bán kiếm tiền mong cải thiện thêm cho cuộc sống gia đình.

Vất vả là thế nhưng bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vô chừng bởi các con thương người mẹ tảo tần đã bảo nhau học tập thật giỏi. Đêm đêm, bà trở dậy chuẩn bị hãm ấm chè xanh một lát sau đã thấy các con kéo nhau dậy rồi tự giác ngồi vào bàn say sưa học tập.

Những lúc ấy, bà cảm thấy như một sự bù đắp lớn lao mà chúng dành cho bà. Cuộc sống bình yên trong căn nhà nhỏ cứ tưởng sẽ êm đềm trôi đi nào ngờ số phận cay nghiệt lại một lần nữa đè lên đôi vai gầy của bà. Năm 1997, chồng bà bị tai biến mạch máu não nặng phải nhập viện.

Để có tiền điều trị, chạy chữa bệnh cho chồng, bà phải cố gắng xoay xở, vay mượn từ bà con thân thích đến hàng xóm láng giềng. Thế rồi, chồng bà cũng vượt qua được cơn bệnh nặng nhưng di chứng để lại khiến chân tay ông run rẩy muốn đi lại phải có sự giúp đỡ của bà. Cuộc sống gia đình bà sau khi chồng bị bệnh càng trở nên khó khăn hơn.  

Nuôi cử nhân, thạc sĩ

Ngồi bần thần ra một lúc khi nhớ lại năm tháng khổ cực đã qua, bà tâm sự: “Bây giờ, cuộc sống gia đình đã sung túc hơn nhiều bởi các con thành đạt bảo nhau dành dụm tiền giúp đỡ bố, mẹ. Nhiều khi ngồi nghĩ lại vẫn không thể nào hiểu nổi bằng cách nào mình lại có thể vượt qua được tháng ngày khốn khó ấy một cách nhẹ nhàng vậy”.

Có thể kết quả học tập giỏi giang của các con là động lực giúp bà vượt lên mọi khó khăn, gian khổ. Người con đầu là Nguyễn Phú Cường thi đỗ khoa Nga, Đại học sư phạm Huế ra trường về nhận công tác tại Bưu điện tỉnh Quảng Trị.

Rồi lần lượt là Nguyễn Phú Quốc sau khi học xong Đại học Nông nghiệp Huế đã học tiếp lên Cao học để thành Thạc sĩ và hiện đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh để làm luận án Tiến sĩ. Anh cũng đang công tác tại Trung tâm khuyên nông, khuyến lâm tỉnh Quảng Trị; Nguyễn Thị Việt Khánh tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học sư phạm Huế được giữ lại trường làm giảng viên của trường.

3 con nữa của bà đang học ở Đại học khoa học Huế và Đại học sư phạm Huế. Nhớ ngày người con đầu thi đỗ đại học vui mừng, tự hào chạy về khoe với bố mẹ kết quả thi, bà quay đi giấu vào lòng giọt nước mắt. Tiễn con lên đường, gia đình nghèo khó nên hành trang con mang theo là đôi dép cao su, áo quần cũ do một người bạn cùng đi B với ông Tầm cho.

“Nước chè đây, ai nước chè xanh nào…”. Sáng sáng người ta lại thấy bà quảy gánh nước chè đến từng ngõ ngách trong khu chợ TX Quảng Trị hoặc tất tả ngược lên ga TX Quảng Trị bán cho khách đi tàu.

Người quen hỏi bà sao các con đã thành đạt vẫn để bà đi bán nước chè, bà cười hồn hậu rồi bảo với họ rằng bà đã quen đi bán nước chè xanh rồi nên không thể bỏ được.

Họ không thể biết rằng ấm nước chè xanh từ lâu trong tâm khảm bà đã trở thành “ân nhân” của đời bà bởi nhờ ấm nước chè bà nuôi được cả cử nhân, thạc sĩ.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.