Âm nhạc thể nghiệm đã bớt cô đơn?

TP - Sự ra đi ở tuổi 50 của Vũ Nhật Tân - nhạc sĩ của dòng nhạc thử nghiệm vừa qua dường như làm người ta quan tâm nhiều hơn đến sự tồn tại của một dòng âm nhạc “bên lề”: Những tác phẩm âm nhạc sáng tạo mạnh mẽ không đi theo khuynh hướng thị trường lẫn bác học. Nhiều người hỏi nhau: “Nhạc thử nghiệm, thể nghiệm là gì? Có dễ nghe không?”, và cả câu hỏi: “Liệu đã có sự công bằng với những nhạc sĩ thử nghiệm như Vũ Nhật Tân?”. 

Vượt lên sự “ác cảm”

Là một người quan tâm đến nghệ thuật đương đại, tôi đã tiếp xúc và nghe những sáng tác được xem là chịu đầy những “ác cảm” của các nghệ sĩ tiên phong của âm nhạc mà các nghệ sĩ trẻ thường gọi là thử nghiệm (hay thể nghiệm) như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân… từ những năm 1990.

Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc chẳng hạn, cô là người duy nhất trong lớp sinh viên khoa sáng tác cùng thế hệ đi theo con đường sáng tác khí nhạc hiện đại. Trong một buổi biểu diễn của cô, người ta thấy cô chơi đàn tranh, nhưng không phải gảy ở dây mà lại chơi nhạc ở vị trí sau ngựa đàn, nơi phát ra những âm thanh không rõ cao độ gì, đây vốn là vị trí “thừa” không sử dụng của cây đàn! Buổi biểu diễn của cô khiến nhiều người sửng sốt nói với nhau: “Tôi chẳng cần học nhạc cũng đánh được như thế!”.

Vũ Nhật Tân thì không theo xu hướng viết khí nhạc hiện đại, anh sử dụng rất nhiều âm thanh khác lạ để tạo ra không gian liên tưởng. Họa sĩ Ngô Lực, bạn của Vũ Nhật Tân nói: “Tân là một nhạc sĩ hậu hiện đại. Anh viết nhạc không tập trung vào hòa âm phối khí theo cách truyền thống mà dựa nhiều vào các chất liệu đời sống. Điểm mạnh của anh chính là ý tưởng. Sáng tác của Tân rất giàu ý tưởng”.

Tác phẩm “Hanoise” của Vũ Nhật Tân dựa trên những âm thanh, tạp âm, tương phản với tiếng đàn tranh day dứt. Anh từng chia sẻ với truyền thông:Hà Nội đang mở rộng, đang phát triển và khiến nhiều người sống ở đây cảm thấy mệt mỏi. Họ mệt mỏi về giao thông, mệt mỏi về tiếng ồn, về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước... Nhưng bên cạnh tất cả những điều đó, Hà Nội vẫn có những nét đẹp riêng”.

Âm nhạc thể nghiệm đã bớt cô đơn? ảnh 1 Phù thủy âm thanh Vũ Nhật Tân. Ảnh: T.L

Điều khác biệt thậm chí kỳ quặc, đó là các nhạc sĩ thường thích những âm thanh tròn trịa của nốt nhạc, rất sợ tiếng ồn (noise) trong âm nhạc và cố gắng loại bỏ tiếng ồn ra khỏi tác phẩm của họ, còn Vũ Nhật Tân hay Kim Ngọc lại đối diện với những ô nhiễm tiếng ồn ấy như một chất liệu của âm nhạc của họ.

Âm nhạc thử nghiệm…  có đáng sợ?

Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc chia sẻ rằng vào những năm 2000, cô cùng Vũ Nhật Tân và nhiều người khác trong dòng nhạc thử nghiệm đã phải trải qua ngày tháng với “những những ánh mắt ác cảm không còn chỉ trong khuôn viên hàn lâm của Nhạc viện Hà Nội mà đã trở thành những cuộc đụng độ trên các phương tiện truyền thông đại chúng”. 

Từ câu chuyện mà nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, câu hỏi là thực sự các thử nghiệm âm nhạc có đáng sợ như thế hay không?

 Nhà phê bình mỹ học lão thành, giáo sư tiến sĩ Trần Thế Bảo nói với phóng viên Tiền Phong: “Sáng tác của Vũ Nhật Tân và bạn bè của anh, theo tôi đó là âm nhạc sắp đặt. Đối với Việt Nam đó là âm nhạc mới mẻ, nhưng thực tế thế giới đã có từ lâu. Thậm chí từ thế kỷ 18 nhạc sĩ Joseph Haydn đã viết Giao hưởng từ biệt, trong đó các nghệ sĩ diễn với các ngọn nến, đến khi nến tắt thì khán phòng tối đêm. Đó là tác phẩm âm nhạc sắp đặt với ý tưởng, triết lý về sự sống và cái chết của con người”.

Âm nhạc thể nghiệm đã bớt cô đơn? ảnh 2 Biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm tại TPHCM. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Một điểm chung của các nghệ sĩ âm nhạc thử nghiệm như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Sơn X, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Thanh Thủy… là họ đều thích thể hiện các tư tưởng hiện đại dựa trên chất liệu là các tác phẩm dân gian, các nhạc cụ dân gian. Nguyễn Thanh Thủy sử dụng đàn tranh. Ngô Hồng Quang sử dùng đàn bầu, sáo… Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Trần Thế Bảo cho biết: “Bản thân việc kết hợp nhạc cụ dân gian Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng và các nhạc cụ châu Âu đã mang tính nghệ thuật sắp đặt, vì bản thân âm nhạc châu Âu không có như vậy”. Sự kết hợp âm nhạc Âu - Á tự nó đã mang tính biểu tượng về sự kết hợp Đông - Tây, hay là sự phá bỏ những định kiến về giới hạn địa lý, văn hóa trong âm nhạc, nghệ thuật.

Nguyễn Thanh Thủy sử dụng âm thanh điện tử cho nhạc ngũ cung, Ngô Hồng Quang cũng sử dụng âm thanh điện tử cho tác phẩm hiện đại kết hợp giữa âm nhạc các dân tộc thiểu số và thơ… 

Nghệ sĩ Kim Ngọc tiết lộ rằng điều trăn trở nhiều nhất của Vũ Nhật Tân mà thường khiến chúng ta tranh luận luôn là: “Nhạc của mình thế này khán giả người ta sợ?” 

Sự công nhận của cộng đồng quốc tế

Hầu hết các tác giả tác phẩm âm nhạc hiện đại sắp đặt, thử nghiệm đều không nhận nhiều sự quan tâm của khán giả Việt Nam. Các cuộc trình diễn của họ không thường xuyên và chỉ diễn ra ở các sân khấu nhỏ, với cộng đồng phần lớn là trí thức trẻ và các nghệ sĩ.  Nhưng điểm chung là các tác phẩm của dòng âm nhạc này lại được thế giới đón nhận rất
hào hứng.

Nhiều tác phẩm của âm nhạc thử nghiệm của các nghệ sĩ Việt Nam được mời biểu diễn khắp thế giới. Những tác phẩm của Ngô Hồng Quang “không dùng nhạc 5 âm, 7 âm hay 12 âm mà nhảy ra khỏi mọi quy chuẩn” được trình diễn ít nhất tại 35 quốc gia. Sáng tác của Vũ Nhật Tân từng đoạt giải nhất cuộc thi Saint-German-en Laye (1995), giải thưởng của Hội đồng Văn hóa châu Á (2002),...

Trần Kim Ngọc từng đoạt giải duy nhất trong cuộc thi sáng tác nhạc giao hưởng dành cho các nhạc sĩ nữ ngoài nước Pháp trên toàn cầu.  Có lẽ khán giả cũng ít biết tới các tác phẩm hòa tấu và dàn nhạc của Trần Kim Ngọc đã được nhiều dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới như Ensemble Modern, Aterlier-Musique de Ville d’Avray, Ensemble d’Autorium Oliver Messiaen trình diễn và được phát sóng tại nhiều đài phát thanh tại châu Âu.

Nguyễn Thành Chung, nghệ sĩ múa đương đại (thường kết hợp trình diễn với nhạc sĩ thử nghiệm Phan Hồng Giang) cũng từng nhận được “Giải thưởng Hội nghệ sỹ múa Hàn Quốc”. Anh chuyển tới Singapore để làm việc với T.H.E Dance Company, biểu diễn tại Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc…

Tương lai tại…  Việt Nam

Theo GS.TS Trần Thế Bảo, âm nhạc thử nghiệm hay sắp đặt kén khán giả, ngay cả trên thế giới, nhiều festival hàng năm cũng chỉ ngần đó nghệ sĩ, tổ chức phải có nhà tài trợ. “Tuy nhiên, ở Việt Nam các nghệ sĩ sắp đặt còn gặp nhiều khó khăn hơn vì dòng âm nhạc này không hợp với gu thưởng thức chung, phần lớn người nghe Việt Nam thích thưởng thức giai điệu và màu sắc hơn là các ý tưởng trong âm nhạc”, nhà nghiên cứu Trần Thế Bảo.

Nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho biết Vũ Nhật Tân là thành viên sáng lập và là Giám đốc nghệ thuật của Nhóm Đông Kinh Cổ nhạc, tập hợp những nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật Chèo, Tuồng và cổ nhạc. Giới chuyên môn nhận định rằng cho đến nay, người ký âm Ca trù chuẩn nhất là Vũ Nhật Tân”.

Kim Ngọc là nhà sáng lập và giám đốc nghệ thuật của trung tâm Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm từ năm 2012, cô cũng là tổ chức nghệ thuật độc lập theo mô hình nghệ sĩ tự vận hành. Nữ nhạc sĩ cũng là người khởi xướng và tổ chức liên hoan Nhạc mới tại Việt Nam- Hanoi New Music Festival, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế trong các năm 2009, 2013 và 2018.

Thay vì than phiền về việc ít khán giả, những nghệ sĩ tiên phong trong âm nhạc thể nghiệm đã và đang tự tạo ra cộng đồng cho chính mình bằng việc giáo dục và tổ chức các sự kiện âm nhạc. Cộng đồng tuy nhỏ bé, nhưng ngày càng trở nên chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Giới nghệ sĩ và những người yêu thích âm nhạc thử nghiệm nhận tin buồn khi nhạc sĩ Vũ Nhật Tân qua đời tối 21/7/2020, hưởng dương 50 tuổi. Anh là một trong những nghệ sĩ tiên phong với nhiều tác phẩm được trình diễn trên thế giới.

Nhà thơ Khương Hà, vợ của nhạc sĩ cho biết: “Chồng tôi còn rất nhiều tác phẩm chưa dàn dựng. Tôi hy vọng một ngày nào đó, các tác phẩm mới của Vũ Nhật Tân sẽ đến được với khán giả như mong ước của anh”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.