Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân:

Âm nhạc đang bị buông xuôi

Âm nhạc đang bị buông xuôi
TP - Bên lề Hội thảo “Tính dân tộc và hiện đại trong âm nhạc Việt Nam” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có cuộc trò chuyện riêng với phóng viên Tiền phong.

Theo nhạc sĩ, bất cập lớn nhất của bức tranh toàn cảnh đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay là gì?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Phải nói đó là sự mất cân đối trong các loại hình âm nhạc. Âm nhạc đang chỉ có ca khúc là chính và chỉ có khúc nhạc pop thống lĩnh.

Thời kỳ hoàng kim của âm nhạc cách mạng với sự phát triển hài hoà các loại hình, tính tư tưởng cao cùng tính nghệ thuật, tính dân tộc và tính kinh điển của các tác phẩm âm nhạc, cộng với nó là các loại hình âm nhạc nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng đang dần mất chỗ đứng.

Sự mất cân đối còn thể hiện trong thị phần nhạc mới và nhạc dân tộc. Thực tế chính các tốp nhạc dân tộc hiện nay đang làm méo mó đi bộ mặt khí nhạc dân tộc.

Tác giả chuyên tâm viết nhạc dân tộc ít dần, dàn nhạc, nhạc công ít tác phẩm mới để biểu diễn khiến nhạc mới ngày càng có điều kiện thu hút và chiếm lĩnh thị phần.

Hầu hết các báo cáo đều tập trung mổ xẻ dòng nhạc trẻ với những bất cập trong ca từ, hỗn loạn và bát nháo. Có đến mức to tiếng như thế không thưa nhạc sĩ?

Âm nhạc đang bị buông xuôi ảnh 1
Quang cảnh hội thảo  
Âm nhạc chỉ có ca khúc là chính và chỉ có ca khúc nhạc pop thống lĩnh thôi thì sao có thể đại diện cho gương mặt văn hóa âm nhạc của đất nước.

Gọi nhạc trẻ nhằm chỉ dòng nhạc hiện nay. Những người làm công tác nghệ thuật như chúng tôi chưa đồng nhất với thuật ngữ này.

Ở nước ngoài, họ dùng từ nhạc pop (chỉ âm nhạc mang tính đại chúng). Còn chúng tôi tạm gọi đó là nhạc hiện nay, bài hát hiện nay như một sự tiếp nối dòng chảy của đời sống âm nhạc Việt Nam ở giai đoạn này mà không thể cắt khúc ra được.

Kể từ thời kỳ đổi mới, văn hóa Việt Nam nói chung và âm nhạc nói riêng đã bị chi phối, tác động bởi kinh tế thị trường. Tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính định hướng dần bị phai mờ, nhường chỗ cho âm nhạc giải trí.

Ca khúc đại trà (pop) lên ngôi với đề tài chủ yếu về tình yêu nam nữ. Nội dung biến thành hàng hóa theo đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa, của các ca sĩ đang ăn khách và cả của các nhà tài trợ, các phương tiện thông tin đại chúng.

Các chương trình âm nhạc nghiêm túc trên phát thanh, truyền hình không bao giờ được phát sóng trong giờ vàng. Dòng nhạc này chỉ được đặt vào Nhạc đêm khuya phát vào lúc 11 - 12h00 đêm. Vậy người nghe có được tôn trọng và có được cơ hội tiếp cận với âm nhạc nghiêm túc không?

Các chương trình ca nhạc trên truyền hình cũng vào cuộc tôn vinh thứ hàng hoá ấy, khiến thật giả lẫn lộn, khán thính giả hoang mang. Có nhạc sĩ đã thốt lên “các nhà tài trợ quyết định sự định hướng chứ không phải ai khác”.

Hiện tượng hỗn loạn trong ca khúc pop hiện nay là có quá nhiều nhạc sĩ, quá nhiều ca sĩ. Ca sĩ cũng sáng tác và tự trình bày bài hát của mình, ai cũng có thể phát hành album và trở thành nhạc sĩ.

Mọi tiêu chí bị đảo lộn, quy chuẩn bị xáo trộn. Những sáng tác này tự do lên sân khấu, tự do phổ cập, không có cơ quan chức năng nào để ý tới một cách thấu đáo.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh (Quảng Nam) thốt lên tại hội thảo, ca từ tiếng Việt trong âm nhạc hiện nay đã đi vào lối rẽ thụt lùi và dậm chân tại chỗ. Một xu hướng viết lời ca bằng thứ ngôn ngữ tổng hợp, trong đó nền tảng là thứ ngôn ngữ diễm tình, sướt mướt, nhưng vô cảm đại loại như lòng cay đắng, tình dối gian, xin đừng hờn trách.

Âm nhạc đang bị buông xuôi ảnh 2
Chất lượng các ca khúc cần phải được kiểm duyệt trước khi công diễn để đảm bảo sự phát triển đúng hướng của âm nhạc Việt Nam (trong ảnh, ca sĩ Ngô Kiến Huy và Từ Minh Hy biểu diễn tại Đà Nẵng) - Ảnh: Nguyễn Huy

Cộng vào đó là một số từ ngữ của email và chát, những câu cãi cọ thông tục hàng ngày, đôi khi lại thêm vào vài tiếng lóng tiếng Anh cho thêm sành điệu. Tất cả tạo nên những mớ hỗn độn, ca từ gây sốc.

Từ xưa đến nay, tiếng Việt đã được các thế hệ văn nghệ sĩ sử dụng như một thứ tơ sợi óng ả để dệt nên những tác phẩm đẹp như nhung lụa. Sao bỗng dưng bây giờ lại đem vò rối nó thành một thứ lùng bùng.

Đúng là âm nhạc hiện nay có quá nhiều điều đáng bàn. Nó đang đứng trước nguy cơ xuống dốc và bị buông xuôi, thả nổi.

Vì đâu nên nỗi thưa nhạc sĩ ?

Đó là tác động tổng hợp. Tuy nhiên nguồn gốc của sự hỗn loạn trong ca từ, nội dung có cội nguồn từ người sáng tác, nghệ sĩ. Sự lệch lạc về thẩm mỹ còn được nhân lên trong giới trẻ với trào lưu tự sáng tác, tự biểu diễn lai căng nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Nhật.

Chưa bao giờ chúng ta có nhiều nhạc sĩ tự phong như bây giờ. Nhiều nhạc sĩ theo khuynh hướng sáng tác nghiệp dư hóa, không trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về âm nhạc, khiến những sản phẩm của họ khi sinh ra đã bị khiếm khuyết.

Việc tiếp thu các giá trị từ thế giới trong giới sáng tác bị phiếm diện. Chúng ta khai thác các công nghệ, phương tiện hiện đại nên dễ dàng chuyển hóa các ý đồ trên giấy của các nhạc sĩ thành các âm thanh.

Tình trạng thu nạp ồ ạt, thiếu sự chọn lọc đã biến những sản phẩm mang tính tinh thần thành những sản phẩm mang tính sản xuất, nhanh, nhiều rẻ là được. Người ta ít quan tâm đến chất lượng của các sản phẩm, xô bồ chạy theo thị trường nên không có thời gian để nghiệm lại những bài hát của mình.

Bỏ rơi một khâu đào tạo

Tuy nhiên, vẫn có một lớp công chúng tiếp thu loại nhạc này. Hẳn nguyên nhân không chỉ từ khâu sáng tác?

Chúng tôi đã đặt ra vấn đề từ ngôn từ đến cả khâu biểu diễn, đào tạo và giáo dục âm nhạc. Nhu cầu thẩm mỹ hời hợt, dễ dãi của giới trẻ là điều kiện để các dòng nhạc thị trường nhanh chóng chiếm lĩnh và, từ đây, nó lại tiếp tục hình thành lên thói quen nghe nhạc rất đáng lo.

Đáng lưu ý, trong quá trình đào tạo, chúng ta đào tạo người sáng tác, người biểu diễn song lại bỏ rơi một khâu đặc biệt quan trọng. Đó là đào tạo người nghe (thính giả, công chúng âm nhạc).

Việc phổ biến kiến thức âm nhạc chỉ trông chờ vào các tiết học ít ỏi trong các trường phổ thông mà không được đầu tư giáo dục định hướng ngay từ đầu, nên việc lai căng, thiếu cảm quan thẩm mỹ, các giá trị đích thực là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, các sân khấu nhạc nghiêm túc hầu như bị bỏ trống. Các chương trình âm nhạc nghiêm túc trên phát thanh, truyền hình không bao giờ được phát sóng trong giờ vàng. Dòng nhạc này chỉ được đặt vào Nhạc đêm khuya phát vào lúc 11 - 12h00 đêm. Vậy người nghe có được tôn trọng và có được cơ hội tiếp cận với âm nhạc nghiêm túc không?

Công tác quản lý, điều hành chung nền âm nhạc còn là điều đáng bàn thưa nhạc sĩ?

Đúng là khâu quản lý của chúng ta nhiều khi còn lỏng lẻo, thậm chí buông xuôi, thả nổi. Rõ ràng việc để cho các ca khúc kém chất lượng tự do lên sân khấu, tự do phổ cập là vì không có cơ quan chức năng nào để ý tới một cách thấu đáo.

Trong khi đó, các hàng rào kiểm duyệt của các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung vào yếu tố chính trị, nội dung lành mạnh, kích động hay không, chứ chưa soi vào chất lượng của bài hát, ca khúc trước khi cho phổ biến, công diễn.

Ngay phía Hội Nhạc sĩ cũng bị mang tiếng là không dám vạch mặt, chỉ tên những hạt sạn của nhạc trẻ. Nhiều trường hợp còn đứng ra ngoài các luồng tranh luận?

Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã lên tiếng một cách kiên trì, có hệ thống và liên tục song, vì không phải cơ quan quản lý nhà nước nên, hiệu quả rất thấp.

Cần một luật âm nhạc

Cứ đà này nền âm nhạc và công chúng âm nhạc hẳn phải đứng trước những mối lo mới, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Hậu quả sẽ là nhãn tiền nếu chúng ta tiếp tục buông xuôi và thả lỏng, mặc cho nó tự phát. Nhìn lại hai thập niên trở lại đây, âm nhạc đang có những biểu hiện chững lại, thậm chí tụt hậu.

Nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp hoặc, nói một cách khác, sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cơ nghiệp dư hoá rất cao. Sự phát triển mất cân đối giữa các loại hình âm nhạc đã dẫn tới thực tế trên. Âm nhạc chỉ có ca khúc là chính và chỉ có ca khúc nhạc pop thống lĩnh thôi thì sao có thể đại diện cho gương mặt văn hoá âm nhạc của đất nước.

Trong thời đại mới, một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì một thể loại ca khúc chưa đủ. Hơn nữa nghiêng về ca khúc giải trí mà ta quen gọi là nhạc trẻ lại càng là lệch lạc lớn.

Chưa nói đến hệ hình tâm lý tiếp nhận âm nhạc của công chúng mà nhất là giới trẻ sẽ bị tác động nghiêm trọng bởi những ca khúc dễ dãi, thị trường. Họ không đủ sức, cảm quan thẩm mỹ để tìm về giá trị đích thực của âm nhạc. Khi đã mất đi một thế hệ như thế thì cả trăm năm sau chúng ta cũng khó xây dựng lại được.

Theo nhạc sĩ, đâu là những giải pháp quan trọng?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” là chỗ dựa vững chắc để chúng ta chấn chỉnh lại những lệch lạc, thiếu sót vừa qua. Nhưng sự khắc phục này trước hết phải bằng cơ chế, bằng chính sách cụ thể để, từ đó, đưa âm nhạc trở lại vị trí đích thực.

Rõ ràng cần có một giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những bức xúc trong âm nhạc hiện nay. Cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Hội. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Quốc hội nên xem xét ban hành luật âm nhạc như Luật Điện ảnh để có sự quản lý chặt chẽ hơn.

Cảm ơn nhạc sĩ!

 Nguyễn Huy
(Thực hiện)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.