Ám ảnh sông Bung

Trận lũ đá năm 1999 vùi lấp thôn Thác Cạn, xã Đại Sơ. Ảnh: Trần Tuấn
Trận lũ đá năm 1999 vùi lấp thôn Thác Cạn, xã Đại Sơ. Ảnh: Trần Tuấn
TP - Xã Đại Sơn (Đại Lộc, Quảng Nam) mắc kẹt giữa một bên là dòng Vu Gia một bên là núi cao sừng sững. Hơn 1.000 hộ dân sống ở hạ du hệ thống thủy điện bậc thang sông Vu Gia, quanh năm nơm nớp lo chạy lũ. Sự cố thủy điện Sông Bung 2 vừa qua, dân cách xa cả trăm cây số vẫn hốt hoảng bỏ nhà chạy lũ.

Lũ thủy điện còn sợ hơn lũ đá 

Trong ký ức người dân Đại Sơn còn hằn đậm trận lũ đá lịch sử xảy ra năm 1999 khiến 1 người chết và 6 nhà dân thôn Thác Cạn bị vùi lấp. Giữa trưa, lũ đá ầm ầm kéo về. Chỉ trong chớp mắt, hầu như cả thôn bị vùi trong đá. Sau trận lũ đá đó, chính quyền bố trí 60 hộ dân Thác Cạn về tái định cư ở hai thôn Hội Khánh Đông và Hội Khánh Tây gần trung tâm xã. Thế nhưng, vì không có đất sản xuất, người dân lại lặn lội về nơi cũ để mưu sinh. Và rồi nỗi lo cơm áo, người dân nơm nớp nỗi lo thủy điện xả lũ.

Cụ Lê Dinh (80 tuổi) thôn Hội Khánh Tây, bảo: Lũ đá thật kinh khủng, nhưng lũ thủy điện còn kinh khủng hơn. Như trận lũ lịch sử hồi tháng 9/2009 khi thủy điện A Vương xả lũ bất ngờ khiến dân không kịp trở tay. Chỉ sau 11 giờ xả lũ từ nhà máy thủy điện A Vương, nước vượt đỉnh lũ lịch sử của các năm gần 2m nước. Vùng hạ lưu ngập trắng băng khi bão chưa tan. A Vương trở thành bài học xương máu cho chính quyền Quảng Nam. “Nhà cửa bị nhấn chìm trong biển nước. Sau trận lũ đó, tất cả tan hoang. Trong đời tôi chưa thấy trận lũ nào kỳ lạ và ghê gớm như vậy. Từ đó đến nay hễ có mưa bão là dân làng bỏ nhà vọt chạy hết lên núi”, cụ Dinh cho biết.

Rồi như trận lũ năm 2013, khi thủy điện Đắk Mi xả lũ cũng gây ngập hạ du, mà Đại Sơn là nơi đầu tiên gánh chịu. Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết: Trận lũ do thủy điện Đăk Mi xả nước, xã không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản rất lớn, nhiều hộ phải dời đi nơi khác.

“Thủy điện xả lũ, một bên núi, một bên sông, dân Đại Sơn mắc kẹt không có đường chạy. Ám ảnh lũ nên giờ đây chỉ cần có tin mưa bão dân làng lại rục rịch tính chuyện phòng thân”, ông Vinh cho biết.

Tháo chạy cùng sông Bung

Ngày 13/9 vừa qua, khi thông tin vỡ hầm đường dẫn Thủy điện Sông Bung 2 dội về, xã Đại Sơn lại được phen nháo nhác. Dân toàn xã rồng rắn, bồng bế, kéo nhau lên núi để tránh lũ.

Chị Hồ Thị Nga (40 tuổi, thôn Hội Khánh Tây), kể: Chiều hôm đó chồng đi chăn bò, ở nhà thấy dân làng hô nhau chạy lũ. Trong mưa gió, chị một tay dắt đứa con 7 tuổi, tay kia  ẵm đứa con út mới 28 ngày tuổi nhằm thẳng trụ sở xã mà chạy. Vì sợ và vội quá, chị chỉ kịp cuộn con nhỏ vào chăn, đến nơi ba mẹ con ướt sũng. Chồng chị, anh Võ Cảnh sau khi đuổi bò lên núi hớt hải chạy về nhà không thấy vợ con đâu hoảng quá chạy khắp nơi tìm. Gần tiếng đồng hồ sau, thấy vợ con mưa ướt nhèm, mừng tủi anh Cảnh khóc nức rồi tức tốc chạy trở lại nhà lấy áo quần cho vợ con thay.

Ám ảnh sông Bung ảnh 1

Thanh niên đi mót lại tài sản sau lũ thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Hoài Văn

Cách đó không xa, là căn nhà ọp ẹp của bà Lương Thị Di. Bà Di năm nay 73 tuổi ốm đau đã mấy năm, hôm nghe tin vỡ đập, bà Di cùng chồng phải chống gậy chạy theo dân làng lên núi ở qua đêm. Vội quá, bà ngã sưng cả đầu gối. Sáng hôm sau bà được dân làng cõng về. “Không chạy sao được. Ở lại, lỡ may nước lũ tràn về như mấy năm trước thì chỉ có nước chết”, bà Di nói.

Bà Huỳnh Thị Mặn một hộ dân mở quán cà phê gần trụ sở xã Đại Sơn, kể: Dân làng kéo nhau chạy như chạy giặc. Sợ quá, nghe tin vỡ đập chẳng ai dám ở lại. Trong hoảng loạn, bà chỉ biết đóng quán, ôm chăn màn cùng mấy gói mì tôm bỏ nhà cửa mà chạy.  Đứa con trai Trần Quốc Hưng vừa bị tai nạn gãy chân đang ngồi xe lăn cũng chống gậy, nhảy cò thục mạng theo dân làng. “Lúc đó, nào còn nghĩ gì đến của cải, chỉ nghĩ đến tính mạng. Dân đây hễ có mưa to, gió lớn là thấp thỏm. Khổ hết chỗ nói”, bà Mặn thở dài.

Chính quyền mướt mồ hôi chạy theo dân

Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn kể: khoảng 16h30 ngày 13/9, chỉ cách 5 phút sau khi sự cố vỡ hầm dẫn thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, người thân các hộ dân trên địa bàn xã làm ăn ở khu vực Sông Bung 2 điện thoại báo về khiến cả xã hoảng loạn. Khoảng 15 phút sau, thông tin nhanh chóng lan truyền, trong khi nước sông Vu Gia sau mấy ngày mưa lại đang lên khiến người dân trong xã hoang mang, tự động thu gom đồ đạc tìm nơi lánh nạn. Chính quyền địa phương cũng nhốn nháo không biết thực hư.

Ám ảnh sông Bung ảnh 2

Bà Lương Thị Di 73 tuổi phải chống gậy chạy lũ vì sự cố thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Nguyễn Thành

“Hầu hết dân cả xã kéo nhau đi khi nghe tin vỡ đập thủy điện Sông Bung 2. Có khoảng 550 hộ dân với hơn 2.100 nhân khẩu 7 thôn của xã ở vùng thấp trũng lập tức khăn gói đồ đạc di chuyển đến các điểm cao dựng lều bạt để trú ẩn. Trụ sở ủy ban xã, hàng trăm người kéo đến xin lánh nạn. Trước tình thế đó, chính quyền xã huy động hết anh em trấn an dân, đồng thời điện thoại khắp nơi để xác minh thực hư”, ông Vinh kể.

Ông Vinh điện xuống cho chủ tịch huyện Đại Lộc, thì Chủ tịch huyện cũng bảo chưa nắm hết thông tin. Mất gần 1 tiếng đồng hồ, sau khi thông tin được chính quyền xác minh, xã lập tức chỉ đạo bộ phận thông tin truyền thanh thông báo qua đài FM về tình hình vỡ ống dẫn tại thủy điện Sông Bung 2 không đến mức nguy hiểm. Đồng thời, yêu cầu các bộ phận của xã, chính quyền các thôn vận động dân trở về nhà. Đến 19h cùng ngày có 150 hộ dân chịu về nhà nhưng vẫn đầy hoài nghi.

“Dân kéo lên trụ sở xã xin lánh nạn chẳng lẽ xã không cho. Người thân của họ đứng ngay thủy điện sông Bung 2 chứng kiến cảnh kinh hoàng, có cả hình ảnh gửi về. Chính quyền rối vì chưa có thông tin chính thức, thế nên thuyết phục dân đâu tin. Dân còn quay sang chất vấn: “Về chết ai chịu, lỡ có chuyện gì trực thăng đến cứu cán bộ trước, dễ gì đến lượt dân”. Dân họ nặng lời bởi sự ám ảnh kinh hoàng những lần lũ trước. Mưa gió tầm tã, ướt lạnh chỉ lo nhất sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. Lỡ có chuyện, chính quyền phải chịu trách nhiệm vì không thể an dân”, ông Vinh nói.

Nỗ lực động viên, trấn an đến 22h đêm 13/9, thêm 350 hộ dân di dời về nhà nhưng vẫn còn một bộ phận người già, phụ nữ và trẻ nhỏ cầm cự trong mưa gió, ở tại những lều bạt đơn sơ trên núi qua đêm. Cán bộ xã phải cắt cử người có mặt để ổn định tình hình. “Dân về hết chúng tôi mới thở phào an tâm”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, tại xã Đại Lãnh gần đó, hàng trăm người dân cũng nhốn nháo, kéo nhau lên núi. Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Vì mấy năm trước thủy điện xả lũ gây ngập, giờ nghe tin vỡ đập dân ai cũng lo. Khi có thông tin chính thức từ trên báo về, huyện phải huy động hết anh em vào rừng, vận động dân làng quay về nhà để đảm bảo an ninh trật tự.

Chiều tối ngày 15/9, hai nạn nhân bị nước cuốn trôi trong sự cố Sông Bung 2 vẫn chưa được tìm thấy, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục triển khai các phương án kiếm tìm.

Tan hoang một ngôi làng

Sự cố thủy điện Sông Bung 2 chiều 13/9 đã khiến 3 ngôi nhà của người dân thôn Pà oi (xã La Ê ê, huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị cuốn trôi, 50 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại tài sản, hoa màu, trâu bò…, nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn chỉ sau vài giờ đồng hồ

Một trong số những nhà bị lũ cuốn trôi có nhà của phó chủ tịch xã A Lăng Dhep. “Mất hết rồi, trắng tay rồi. Giờ chỉ còn bộ áo quần trên người đây” – anh Lăng Dhep chua xót. Anh kể, khi sự việc xảy ra anh từ cơ quan chạy về thì thấy nước ầm ầm dâng, chỉ kịp bồng đứa con 6 tuổi ra khỏi nhà, và chưa đầy 2 phút sau nhà bị cuốn phăng. Anh Dhep cho biết, ngôi nhà hai vợ chồng dựng từ tháng 11/2015, hết tất thảy 500 triệu đồng phút chốc bị nước cuốn trôi cùng toàn bộ tài sản. Mấy ngày nay hai vợ chồng thất thần mất ăn mất ngủ vì phút chốc thành trắng tay.

Hai ngôi nhà của hai anh em A Lăng Danh và A Lăng Dang cũng bị cuốn theo dòng lũ. Anh Dang nhớ lại, thời điểm xảy ra vụ việc anh đang đi làm, ở nhà chỉ có vợ và con nhỏ. Dòng nước ầm ầm như thác đổ về, hai mẹ con chỉ kịp tháo chạy thoát thân. Nhà cửa, trâu bò, vịt gà… cũng bị cuốn trôi hết. “Không ai kịp trở tay, không kịp làm gì. May mà còn giữ được mạng sống” - anh Dang nói.

Sáng nay, mấy anh em A Viết Sơn kéo nhau đi dọc dòng sông Bung để tìm gỗ và tài sản bị cuốn trôi sau sự cố thủy điện Sông Bung 2. 25 khối gỗ cùng vật liệu được mua về để dựng nhà nhưng chưa kịp thì bị dòng nước lũ cuốn đi tất thảy. “25 khối giờ chỉ tìm được 1 khúc. Vật liệu để dựng nhà lâu nay mua về cũng bị cuốn hết rồi” - anh Sơn thở dài. 

Ông Đặng Đình Xuân - Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê cho biết, hiện chưa thống kê hết thiệt hại, nhưng báo cáo nhanh có 50 hộ dân bị ảnh hưởng từ sự cố thủy điện Sông Bung 2. Ba ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hàng chục con trâu, bò và hàng trăm ha hoa màu cũng bị mất.

            Hoài Văn

MỚI - NÓNG