Sống sót dưới “lưỡi búa” thiên lôi
Làng Long Vót nằm sâu trong rừng già, bốn bề được bao phủ bởi núi rừng. Con đường gần nhất vào làng phải đi qua đất thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Phải mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm UBND xã Sơn Long bằng xe máy và đi bộ đường rừng chúng tôi mới đặt chân đến Long Vót. Đây là ngôi làng rất mới, nằm ở lưng chừng ngọn núi Mang Ha Tin vừa được dân làng chọn làm nơi định cư mới.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi cho rằng, xã Sơn Long nói riêng và huyện Sơn Tây nói chung là khu vực có địa hình cao nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Vào mùa hè, nơi này thường có mây đối lưu phát triển mạnh kèm theo các “ổ” giông sét hoặc lốc xoáy. Ngoài nguyên nhân do yếu tố địa hình, có thể còn do yếu tố về địa chất kết hợp địa hình núi cao nên nơi đây mới có giông sét nhiều như vậy.
Vừa nói, vừa chỉ tay về phía ngôi làng cũ với nét mặt sợ hãi, già làng Đinh Văn Điềm cho biết những trận giông sét rùng rợn liên tục đánh vào làng cũ khiến chết cây, gia súc, gia cầm,… để rồi cả làng đành phải tháo dỡ nhà cửa từ làng cũ, di dân đến đây lập lại cuộc sống mới.
“Có năm, sét đánh trúng thằng con trai đầu của tui, lúc đó nó đang cầm dù che mưa. Gia đình chạy chữa mãi mới lành. Ở làng cũ, chỉ nghe “đùng” một cái là trâu, bò lăn ra chết. Đến nỗi sét đánh trúng cây quýt ngã rạp như dùng cuốc đánh bật lên. Tôi tháo dỡ nhà bên làng cũ sang dựng lại nơi mới này”, già làng Điềm kể.
Dân làng Long Vót dời làng đến nơi ở mới vì sợ bị trời đánh ảnh: Nguyễn Ngọc |
Dưới cơn mưa tầm tã của tháng cuối năm, vợ chồng anh Đinh Văn Đào và chị Đinh Thị Trường đang khẩn trương thu dọn đồ đạc, dụng cụ, gỡ từng thanh tre, miếng ván, sắp xếp các viên ngói để dời nhà đến nơi ở mới cách đó chừng 2km. Người làng bảo, mẹ con chị Trường may mắn nhất làng vì thoát chết trong gang tấc dưới “lưỡi búa” của thiên lôi.
“Năm trước, lúc tôi che dù ẵm con trai đi qua nhà người thân chơi thì bất ngờ bị sét đánh khiến 2 mẹ con ngất xỉu tại chỗ. Lúc đó cứ tưởng chết luôn rồi, may mắn được bà con sơ cứu nên một lúc lâu sau dần hồi tỉnh. Bây giờ mỗi lần trời nổi giông sét là sợ lắm. Đâu phải lần nào cũng may mắn thoát chết”, chị Trường nói.
Vợ chồng anh Đinh Văn Đào và chị Đinh Thị Trường từng chết hụt vì sétảnh: Nguyễn Ngọc |
Sau cái lần chết hụt ấy, người phụ nữ này nhiều lúc ngây dại nói những điều chẳng ai hiểu. Nỗi đau ấy thành nỗi sợ chung của người dân trong làng.
Anh Đinh Văn Đào chồng chị Trường cho biết, từ ngày bị sét đánh, thần trí chị Trường không còn ổn định như trước. Mỗi lần có sấm sét là chị lại co người, hoảng sợ. Thương nhất là đứa con trai hễ thấy sấm chớp là khóc ré. Quá lo sợ nên gia đình anh quyết định dỡ nhà rời làng. Thà chấp nhận dựng lều ở tạm, chứ ở làng cũ quá nguy hiểm.
Ông Đinh Văn Trây - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) bộc bạch, sét đánh một lần đã thấy ớn, đây cả làng bị đánh liên tục với tần suất dày đặc ai mà không sợ. Trung bình mỗi năm có khoảng 15 lần sét đánh vào làng. Ở làng Long Vót, trâu bò, cây cối bị sét đánh chết nhiều không đếm hết.
Quyết dời làng
Làng Long Vót có 17 hộ dân với 73 nhân khẩu nhưng giờ đây không một ai dám trụ bám ở làng cũ vì liên tục bị “trời đánh”. Việc dân làng dắt díu nhau lập làng mới, tạo nên cuộc di cư chưa có tiền lệ ở vùng núi cao Quảng Ngãi.
Tháo nhà cũ mang đi dựng lại nơi ở mới ảnh: Nguyễn Ngọc |
Nằm cách làng cũ khoảng 2km, hàng chục túp lều tạm bợ mọc lên dưới chân núi. Không điện chiếu sáng, không đường giao thông, không nước sạch, cuộc sống người dân muôn vàn khó khăn… Nhưng người dân Long Vót lại thấy rằng, từ ngày rời làng cũ qua đây sống tạm, họ thấy an tâm hơn và không còn thường trực nỗi lo bị “trời đánh” như trước.
Đang bận rộn với ngôi nhà mới dang dở, được lắp ghép từ chính các vật liệu từ nhà ở làng cũ mang đến đây, anh Đinh Văn Bền vẫn bàng hoàng khi nhắc đến chuyện mỗi khi trời nổi cơn thịnh nộ. “Ở bên đó 20 năm, năm nào cũng có chục trận sét lớn, không chịu nổi nữa, không dám ở nên di chuyển ra đây. Mới đợt vừa rồi, sét đánh sát ngay nhà, may mắn không ai bị sao cả”, anh Bền nói.
Năm nay bước sang tuổi 70, nhưng chưa khi nào ông Đinh Văn Dôn chứng kiến cảnh giông sét dữ dội như những năm gần đây. Ngồi co ro trong căn chòi dựng tạm trống trước, hụt sau bên góc núi, ông Dôn giãi bày: “Hồi trước có sét nhưng không nhiều như vậy. Bây giờ sét đánh chết gà, vịt, trâu, bò, nhiều người cũng chết hụt vì bị trời đánh. Già làng bảo không thể ở lại được nữa, dân làng phải đi thôi”.
Người Ca Dong đã bỏ tập tục du canh, du cư từ nhiều thế hệ qua. Họ sinh sống quần cư và ổn định ở các ngôi làng. Việc cả làng Long Vót kiên quyết rời làng vì sấm sét chưa từng xảy ra. Với bà con, ngôi làng là vùng đất xấu, Yàng (trời) không cho ở...
Ông Đinh Văn Trây - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long xác nhận, câu chuyện cả làng Long Vót bỏ làng đi xa thêm 2km để dựng lại làng mới để tránh sét đánh là có thật. Chính quyền đã tổ chức đi kiểm tra thực tế sau khi nghe người dân phản ánh và sau đó cũng đã làm báo cáo thông tin về sự việc giông sét bất thường ở khu dân cư Long Vót.
“Lãnh đạo xã tổ chức họp dân và 100% hộ dân bày tỏ nguyện vọng được rời làng tránh giông sét nên chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ tháo dỡ nhà cửa từ làng cũ chuyển sang địa điểm mới, giáp ranh với thôn Mang Nách (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)”, ông Trây thông tin.
Ông Đinh Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay, rất nhiều lần sét đánh vào làng này và gây hoang mang cho người dân. Huyện cũng có báo cáo thông qua các kiến nghị của cử tri, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí làm khu tái định cư mới cho người dân, để họ yên tâm sinh sống.