Nhắc đến các làng “siêu đẻ” tại Gia Lai, người ta thường nghĩ ngay đến làng Ea Luh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Làng Ea Luh với hơn 100 hộ dân nhưng có tới 700 nhân khẩu. Chuyện mỗi cặp vợ chồng ở đây có 7 đến 8 đứa con là chuyện phổ biến.
Không chỉ riêng làng Ea Luh, nhiều làng ở Gia Lai vẫn được người dân gắn cho biệt danh làng “siêu đẻ”. Làng Kon Song Lok, xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa do luật tục nên chuyện sinh đẻ ở đây rất “thoáng”. Chuyện các cặp vợ chồng có 6 đến 7 đứa con được xem là bình thường. Vì sinh con nhiều nên cái đói, cái nghèo cứ ám ảnh riết lấy ngôi làng hẻo lánh này.
Trong cái nắng của Tây Nguyên, trên con đường vào Kon Song Lok, từng tốp trẻ em đang ngâm mình dưới những con suối. Từ xa đã nhìn thấy những mái nhà sàn co cụm sát nhau, khói lam chiều lan tỏa. Trong các căn nhà sàn hai bên đường, cảnh tượng chung là những bà mẹ đang gùi con trên lưng, theo sau là mấy đứa con nheo nhóc bằng đầu nhau.
Bà Trưl nhà ngay đầu làng, vừa bế đứa cháu xuống vừa kể: Nhà bà có tới 8 đứa con. Cả 8 đứa con của bà đều sinh theo tự nhiên. Sinh nhiều con nên gia đình Trưh đã phải lo từng bữa ăn hàng ngày. “Trước đây, mình cứ nghĩ đẻ như thế nào thì đẻ. Mãi sau mới thấy đẻ nhiều khổ quá nên giờ khuyên con cái đẻ ít thôi”, bà Trưl chia sẻ thêm.
Một sự kiện khiến không chỉ người trong làng bất ngờ mà ngay cả những cán bộ địa phương cũng xem là chuyện lạ khi có 4 phụ nữ trong làng “dũng cảm” đi triệt sản. Cả 4 chị đều chung hoàn cảnh là rất đông con, kinh tế gia đình khó khăn. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cho đỡ khổ, 4 gia đình đều đồng ý đi.
Chi Hyai và chị Le tuổi còn dưới 42 nhưng cả 2 đều có 8 đứa con. Đông con, thu nhập của cả gia đình 10 người chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy trồng mỳ nên cái ăn còn khó, nói gì việc học đến nơi đến chốn cho con.
Nếu tiếp tục sinh, gia đình các chị chưa biết rồi sẽ ra sao. Việc các cặp vợ chồng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, hứa hẹn không lâu nữa làng Kon Song Lok sẽ hết biệt danh làng “siêu đẻ”.
Ông Chiên, chủ tịch xã Hà Đông cho biết, làng Kon Song Lok và làng Kon Ma Har có tới hơn 98% là người đồng bào dân tộc Bahnar. Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng mỳ, nhận thức dân trí còn thấp. Việc sinh đẻ không có kế hoạch là do luật tục.
Chính quyền xã đã lập ban tuyên truyền về dân số, do đồng chí phó chủ tịch xã làm trưởng ban. Mỗi tháng 2 lần, ban vào tuyên truyền cho từng hộ dân. Riêng về làng Kon Song Lok, nhờ có tuyên truyền nên các cặp vợ chồng trẻ nhận thức được tốt hơn, việc sinh đẻ đông con đã hạn chế dần.
Việc vận động sinh đẻ có kế hoạch đối với làng gặp rất nhiều khó khăn vì đức tin của người dân. Không chỉ tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con bằng nhiều lý lẻ, mà các cán bộ nơi đây còn hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai đến từng cặp vợ chồng nhưng vẫn rất khó”, ông Phiên nói.