Ám ảnh đuối nước trẻ em

Trẻ em Ðắk Lắk tắm ở khu vực nước sâu
Trẻ em Ðắk Lắk tắm ở khu vực nước sâu
TP - Những chiếc ao tích nước tưới cà phê ở Tây Nguyên không biết từ bao giờ thành nỗi ám ảnh chết chóc với trẻ nhỏ. Trong khi Chính phủ yêu cầu các địa phương tích cực giải ngân thì số tiền chi để bảo vệ trẻ em rất thấp...  

Mỗi năm tại các tỉnh Tây Nguyên, hàng chục trẻ em chết do đuối nước.

Mẹ lên rẫy, con chết dưới ao

Đã 3 tháng trôi qua, chị H’Jiêng Cil (buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa vơi nỗi đau mất con gái H.T.C. (10 tuổi). Chị kể, gần nhà có ao sâu dùng để tích nước tưới cà phê. Sáng 8/6, mẹ đi làm rẫy, con gái cùng mấy đứa trẻ khác rủ nhau ra ao tắm. Khi mẹ về, con đã bị đuối nước, tử vong. Cũng trong vụ đuối nước này còn có H.N.C. (6 tuổi, ngụ cùng buôn). Cách đây vài năm, buôn Jiê Yuk cũng có trẻ gặp nạn khi tắm ao tích nước tưới cà phê. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh này có 20 trẻ tử vong do đuối nước.

Tỉnh Đắk Nông cũng có nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em. Ngày 1/3, tại thôn 3, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, trong lúc người lớn đi hái tiêu thuê, 2 em L.V. P. (11 tuổi) và L.T. M. (9 tuổi) ở nhà tự chơi với nhau, sau đó ra ao nước sau nhà. Đến chiều, gia đình về không thấy con đâu, tá hỏa đi tìm, phát hiện 2 em đã tử vong vì đuối nước. Theo số liệu cập nhật của Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông, từ đầu năm đến chiều 11/9, tỉnh này có 17 vụ đuối nước, khiến 18 trẻ tử vong. Trong số 18 nạn nhân này, có những em còn rất nhỏ, đi chưa vững, nói chưa rõ lời. Em Y.L. (SN 2018, ở xã Đắk Mol, huyện Đắk Song) bị đuối nước tại giếng nước gần nhà ngày 26/1.

Kinh phí phòng chống tai nạn thương tích còn thấp

Ngày 11/9, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, ông Phạm Đăng Khoa, cho biết, địa phương có nhiều ao, hồ, sông, suối và đây là mối nguy rất lớn, thường trực dẫn đến tai nạn đuối nước. Hằng năm, Sở đều có văn bản chỉ đạo các trường tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh bằng nhiều hình thức. Sở cũng chủ động tìm nguồn kinh phí từ tỉnh hoặc xã hội hóa để xây bể dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, theo ông Khoa, để giảm thiểu tai nạn thương tích, nhất là đuối nước cho trẻ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, gia đình phải là số một, phải quan tâm, cảnh báo trẻ tránh xa các khu vực nguy hiểm.

Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, nói rằng, dạy bơi cho trẻ là một trong những giải pháp căn cơ để giảm thiểu tai nạn đuối nước. Tuy vậy, nguồn kinh phí từ tỉnh chi hằng năm cho việc phòng chống tai nạn thương tích còn thấp. Năm 2020, ngân sách tỉnh Đắk Lắk chi tổng kinh phí bảo vệ trẻ em là 540 triệu đồng.

Trong đó, chương trình phòng chống thương tích và bảo vệ trẻ em là 144 triệu đồng; số tiền này mới đủ để tuyên truyền, lắp bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm... Đắk Lắk đang thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp một quỹ từ thiện tổ chức, với mục tiêu trang bị kiến thức an toàn môi trường nước cho hơn 1.000 trẻ em trong nhóm tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Dự án đã triển khai được 2 năm tại các xã thuộc huyện Ea Kar.            

Người lớn bất cẩn, không biết sơ cứu

Chỉ trong 1 tháng qua, Khoa Ðiều trị tích cực nội khoa - Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận hơn 10 trẻ bị đuối nước, nhiều trường hợp tử vong rất thương tâm... Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng cho biết, chỉ riêng trong tháng 8 đã có 8 trẻ đuối nước nhập viện, tháng 9 mới bắt đầu nhưng đã có 2 trẻ gia đình xin về vì không cứu được.

Theo bác sĩ Dũng, nhiều gia đình đang thiếu kỹ năng chăm sóc, quản lý trẻ, sơ cứu khi xảy ra tai nạn. Khi đưa trẻ đi du lịch, người lớn thường túm tụm lại nói chuyện hay tập trung vào điện thoại, hoặc để trẻ em trông nhau, khi quay lại thì đã muộn. Với trẻ em, chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Vì thế, việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. Chỉ khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư được sơ cứu đúng cách. “Một nửa trường hợp còn lại vẫn dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Ðây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ”, bác sĩ Dũng nói.   

MỚI - NÓNG