Ám ảnh du lịch Việt - Bài cuối: Khi nào hết ăn xổi?

Thanh niên xung phong hỗ trợ du khách - nét đẹp của Sài Gòn. Ảnh: Ngô Tùng.
Thanh niên xung phong hỗ trợ du khách - nét đẹp của Sài Gòn. Ảnh: Ngô Tùng.
TP - Văn hóa ứng xử được xem là “toa thuốc” có thể “trị bá bệnh” cho ngành du lịch Việt Nam. Nhưng kê “toa thuốc” ấy thế nào, liều lượng ra sao… rất cần sự vào cuộc từ những người trong  cuộc.

Cần có “thượng phương bảo kiếm”

Trước thực trạng tệ nạn tại TPHCM mà những du khách gặp phải, vấn đề được đặt ra là ai sẽ bảo vệ du khách ngay khi có sự cố? Ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, trước đây thành phố đồng ý giao cho thanh niên xung phong tổ chức lực lượng hỗ trợ du khách. Lực lượng này có gần 250 thành viên và tổ chức phối hợp cùng công an tại các điểm du lịch, thực hiện tuần tra, chốt, hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, lực lượng còn yếu ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ. Khi đứng ra bảo vệ du khách thì bị tội phạm phản ứng. Lực lượng hỗ trợ du khách vừa phải tham gia đuổi bắt cướp giật, chống việc chèo kéo mua hàng kiêm luôn việc hướng dẫn du khách… nên khá vất vả; trong khi thu nhập thấp, chính sách liên quan đến xâm phạm thân thể, thương tật đang bất cập. “Sở Du lịch không thể quản lý lực lượng bảo vệ du khách được. Cơ quan quản lý ngành du lịch không thể đứng ra bảo vệ du khách về an ninh, trật tự, xâm phạm tài sản... Với kinh nghiệm gần 30 năm làm du lịch, cá nhân tôi cho rằng nếu được giao nhiệm vụ này thì không thể đạt hiệu quả như mong muốn” - ông Khánh nói.

Theo vị lãnh đạo này, để giải quyết căn cơ vấn đề thì cần phải có cảnh sát du lịch với những chính sách, chế độ, trang bị công cụ, nâng cao kỹ năng… để phục vụ du khách. Đáng tiếc, TPHCM đến nay vẫn chưa thành lập được lực lượng này.

Thiếu tướng Phan Anh Minh- Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, công an cũng đã từng đề nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Nhưng nguyên tắc tổ chức của ngành Công an và Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế có những vướng mắc cho chuyện đó. Theo ông Minh, bảo vệ khách hàng của ngành nào thì ngành đó tổ chức. Theo đề xuất của lãnh đạo thành phố, ngành du lịch sẽ tổ chức riêng một lực lượng bảo vệ du khách. Công an thành phố chỉ chịu trách nhiệm huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng này bảo vệ du khách khi bị xâm hại.

“Làm sao hạn chế nạn chèo kéo, cướp giật, đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách không thuộc quản lý của ngành du lịch. Thực tế này đặt ra cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Theo đó, công an phải lo an toàn ra sao; ngành tài chính, thuế động viên chính sách thế nào; ngành văn hóa, thể thao, y tế vào cuộc đến đâu?... Tất cả các ngành đều phải có trách nhiệm” - bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM chia sẻ.

Ám ảnh du lịch Việt - Bài cuối: Khi nào hết ăn xổi? ảnh 1 Du khách mua sắm ở chợ Bến Thành (Quận 1). Ảnh: Uyên Phương.

Tung chiêu kéo khách

Nghiên cứu sinh Đàm Duy Long - Giám đốc Trung tâm Project Design của Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đạt 35 tỷ USD  vào năm 2020, nhà nước đủ quyết tâm để đầu tư phát triển du lịch trong những năm tới. Nhưng như vậy chưa đủ. Đầu tư lớn cũng dễ dẫn đến khó đảm bảo chất lượng. Cái chúng ta thiếu là hệ thống giám sát. Các công cụ giám sát tận dụng sức mạnh của cách mạng công nghệ cần được sớm ra đời, nhằm giúp việc giám sát chất lượng của ngành du lịch được quản lý hiệu quả. Đương nhiên, chế tài đối với mọi sai phạm đều phải được quy định rõ và xử lý nghiêm thì mới mong răn đe được những cá nhân, đơn vị mắc sai phạm.

“Giữ chân du khách không có nghĩa là du khách đến Việt Nam rồi mới tính chuyện giữ chân họ. Muốn giữ chân du khách, cần phải giúp họ lập kế hoạch du lịch. Ở đây tôi muốn đề cập đến khía cạnh marketing du lịch. Cuộc cách mạng công nghệ đã dẫn đến sự đóng cửa của hàng loạt hãng lữ hành tại Mỹ, và bất cứ quốc gia phát triển nào cũng sẽ diễn ra tình trạng tương tự. Du khách có thể ngồi một chỗ và tự đặt mọi dịch vụ cho chuyến đi. Đây là thách thức và cũng chính là cơ hội cho chúng ta. Hãy chăm sóc du khách ngay từ khi còn chưa gặp họ. Hãy cho họ lý do để ở lại Việt Nam lâu hơn. Cần xây dựng một chiến lược quảng bá đặc thù trên nền tảng di động, kèm theo công cụ lập kế hoạch du lịch cho du khách với những sản phẩm đặc biệt hấp dẫn. Yếu tố hấp dẫn, thuận tiện và an toàn của việc đặt dịch vụ phải được đưa lên hàng đầu” – ông Long gợi ý.

Chia sẻ công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khách nước ngoài đến TPHCM du lịch, ông Trần Thế Thuận - Chủ tịch UBND Q.1 cho biết sắp tới, quận sẽ triển khai một loạt các chương trình, đề án thu hút du khách nước ngoài. Trong đó phối hợp với Sở Du lịch kiểm tra các cơ sở kinh doanh lữ hành quốc tế, nhà hàng, cơ sở đạt chuẩn mua sắm phục vụ khách nước ngoài. Ngoài ra, sớm hoàn thành các đề án thu hút du khách như phố đi bộ Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, con đường Âm nhạc, đề án khu ẩm thực ở đường Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp. Đặc biệt, là thí điểm đón taxi khu vực trung tâm Q.1 để phục vụ du khách.

“Hiện, Q.1 đang tăng cường tuần tra kiểm soát gồm các đội hình sự, đội ma túy, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ… lắp thêm camera an ninh với công nghệ nhận diện khuôn mặt để phòng chống tội phạm. Ngoài ra, vào ngày 19/8 tới đây sẽ khai trương phố đi bộ Bùi Viện, công tác đảm bảo anh ninh sẽ càng thêm thắt chặt”- ông Thuận thông tin thêm.

Ths Ngô Xuân Hào - Trưởng bộ môn Quản trị Khách sạn- ĐH Văn Hiến TPHCM cho rằng, nguyên nhân là do quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều địa phương chưa nghiêm, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều lỏng lẻo, quản lý môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chưa tốt. Từ đó tạo nên sức cạnh tranh thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. “Ngay từ bây giờ,chúng ta cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm… Với nguồn nhân lực chất lượng cao này kỳ vọng sẽ khắc phục được hạn chế du lịch vấp phải trong thời gian qua” – thầy Hào nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, phải phát triển mở rộng các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời phân bổ các nơi này một cách hợp lý để phục vụ khách du lịch tốt hơn. Khách du lịch đến TPHCM ngoài công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho họ, thì TPHCM cần phải quan tâm chất lượng dịch vụ. TPHCM cần quan tâm vấn đề giữ chân du khách được bao lâu và thu được bao nhiêu tiền từ việc họ tiêu dùng, mua sắm, vui chơi giải trí tại đây. Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải tính đến chuyện làm sao để phục vụ du khách tốt nhất. Nếu buồn tẻ quá thì họ sẽ rời hoặc chỉ dừng chân ngủ nghỉ tại TPHCM rồi tiếp tục đi.

Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TPHCM:

Phạt nặng doanh nghiệp

Trong thời gian chờ TPHCM thí điểm thành lập cảnh sát du lịch, Công an thành phố sẽ đưa ra quy định xử lý các doanh nghiệp dịch vụ du lịch không đảm bảo an toàn cho du khách. Cụ thể, nơi nào để tài sản du khách bị xâm hại thì ngành du lịch có thể thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú; công an sẽ hạn chế quyền của doanh nghiệp bảo lãnh xin visa cho khách nhưng không trình báo khi khách bị thiệt hại. Thậm chí doanh nghiệp để du khách vi phạm ở ngoài thì công an sẽ cắt quyền xin thị thực của các doanh nghiệp đó.

Du khách bị cướp giật: 

Chúng tôi vẫn sẽ chọn Việt Nam khi du lịch

Được Công an Q. Tân Bình trao lại tài sản nguyên vẹn khi bỏ quên trên xe taxi, anh Matthew Grieve (quốc tịch Úc) vui mừng nói: “Cảnh sát Việt Nam rất giỏi, tạo được niềm tin yêu cho những người nước ngoài như tôi đang sinh sống và làm việc tại đất nước này. Tôi yêu Việt Nam, tôi muốn sống lâu dài tại đây vì niềm tin yêu này”. Cô Sarah Wai dù bị taxi “phù phép” ví tiền nhưng cũng cho hay, cô vẫn hy vọng khi quay lại TPHCM sẽ không còn những tình trạng tương tự xảy ra.

Còn với Daniel (người Ireland) hóm hỉnh khoe đã đi du lịch Việt Nam từ Bắc vào Nam, nhưng yêu nhất Sài Gòn. Daniel thích tự mình rong ruổi qua các tuyến đường của các quận 1, 3, 4, 10, Phú Nhuận… để tận hưởng món ăn đường phố thơm ngon, lạ miệng. Dù ở Việt Nam vẫn còn nhiều hình ảnh chưa đẹp như ùn tắc giao thông, trộm cắp… nhưng anh hy vọng bằng sự quyết liệt của chính quyền địa phương, Việt Nam sẽ giảm dần tình trạng này. Daniel cũng sẽ giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến du lịch ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG