Al-Qaeda chế nhạo Mỹ 'bỏ chạy' khỏi Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
Một lính Afghanistan canh gác tại căn cứ không quân Bagram, nơi Mỹ mới rút quân gần đây. (Ảnh: Reuters)
Một lính Afghanistan canh gác tại căn cứ không quân Bagram, nơi Mỹ mới rút quân gần đây. (Ảnh: Reuters)
TPO - Al-Qaeda đang chế nhạo việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan bằng cách sử dụng hashtag “the year of running away” (năm bỏ chạy) trên Telegram, trong bối cảnh Taliban tiếp tục giành thêm địa bàn kiểm soát và khẳng định đã nắm được 85% lãnh thổ Afghanistan.

Taliban khẳng định sẽ không để al-Qaeda hoạt động ở Afghanistan, nhưng giới phân tích hoài nghi cam kết này.

Ông Nico Prucha, một chuyên gia độc lập về khủng bố và là người chuyên theo dõi các hoạt động tôn giáo cực đoan trên mạng, nói rằng từ quan điểm của Taliban và al-Qaeda, cuộc chiến ở Afghanistan mang lại “chiến thắng thực sự cho người Hồi giáo” sau khi Mỹ rút quân.

“Al-Qaeda dùng hashtag ‘năm bỏ chạy’ từ đầu tháng 6 để nói về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Pháp thông báo rút khỏi vùng Sahel ở châu Phi”, ông Prucha cho biết.

Hồi tháng 6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo ông sẽ kết thúc chiến dịch dài 8 năm ở Sahel và sẽ rút 2.000 quân vào đầu năm sau.

Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen nói rằng al-Qaeda thuộc về “kỷ nguyên quá khứ” và sẽ không còn được hoạt động ở Afghanistan.

Taliban khẳng định không còn thành viên al-Qaeda nào ở Afghanistan và nói rằng theo thoả thuận hoà bình Doha mà lực lượng này ký với Mỹ từ tháng 2/2020, Taliban đã “cam kết chúng tôi sẽ không cho phép” bất kỳ cá nhân, băm nhóm hay tổ chức nào dùng Afghanistan để tiến hành các vụ tấn công chống lại Mỹ, các đồng minh hay bất kỳ nơi nào trên thế giới.

“Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hoạt động tuyển mộ hay huấn luyện công khai hay gây quỹ nào cho bất kỳ nhóm nào ở Afghanistan. Nếu có ai đó đang lẩn trốn, chúng tôi sẽ tìm họ, chúng tôi sẽ bảo họ rằng họ không thể ở lại”, ông Suhail nói.

Ông Colin P Clarke, giám đốc Soufan Group, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn an ninh, nói rằng al-Qaeda “chắc chắn vẫn ở Afghanistan” với khoảng 400-600 tay súng ẩn náu ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan.

Ông Clarke nói rằng Taliban chưa đoạn tuyệt với Taliban và “không có lý do gì để làm như vậy”.

Ông Clarke cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể là “khoảnh khắc mà al-Qaeda tái trỗi dậy” và xây dựng mạng lưới, có thể sẽ lấn át cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và tuyển mộ từ nhiều khu vực trên thế giới.

“Tôi muốn nói rằng năng lực tấn công vào phương Tây (của al-Qaeda) hiện rất hạn chế, nhưng tôi cho rằng năng lực đó sẽ tăng lên trong những tháng tới”, ông Clarke nói.

Một báo cáo được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 6 nói rằng al-Qaeda hiện diện tại ít nhất 15 tỉnh của Afghanistan, chủ yếu ở các vùng miền đông, miền nam và đông nam, dẫn đầu là chi nhánh Jabhat-al-Nasr của al-Qaeda, với kẻ đứng đầu là Sheikh Mahmood.

Taliban hiện đang trong giai đoạn thay đổi hình ảnh. Các lãnh đạo lực lượng này nói tiếng Anh, thể hiện kỹ năng ngoại giao và cởi mở với báo chí thế giới, khác xa cách làm trước đây.

Lực lượng này nói rằng họ hoan nghênh và sẽ bảo đảm an toàn cho công dân tất cả các nước muốn đến giúp Afghanistan tái thiết, bao gồm từ Trung Quốc, Mỹ và EU.

Theo chuyên gia Nishank, Taliban có những thay đổi này là nhằm “giành được sự thừa nhận quốc tế” và khẳng định “tính chính danh của họ trong lãnh đạo”.

Khi cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001, Taliban chỉ được UAE, Ả-rập Xê-út và Pakistan công nhận.

Theo SCMP, Reuters
MỚI - NÓNG