Mười bài Ái Vân chọn là Nhớ mùa thu Hà Nội, Triệu bông hồng, Bảy ngày đợi mong, Ngậm ngùi, Ai ra xứ Huế, Đêm ả đào, Bà rằng bà rí, Tình cầm, Dạ cổ hoài lang, Hãy đến với anh. Như dự đoán, Ái Vân tập hợp ca khúc đủ các dòng để rồi hợp lưu trong một album. Tiếc rằng con số 10 hơi ít ỏi.
Là con gái NSND Ái Liên (chủ rạp cải lương Ái Liên với những vai diễn lừng danh, như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài), và là chị của Ái Xuân người hát dân ca thành công, trong DVD, thể loại cải lương chị chọn Dạ cổ hoài lang, cảnh quay ở trường bắn Thủ Đức. Ai ra xứ Huế thì song ca với Ái Xuân.
Ngậm ngùi quá nổi tiếng của Huy Cận được Phạm Duy phổ nhạc không khỏi gây cảm giác hát thơ. Nếu có người làm cho ca khúc trở nên uyển chuyển, chỉ người biết bài thơ mới nhận ra là hát thơ, thì đó là Ái Vân. Ngay khi đứng trên sân khấu Thúy Nga chị đã là người hát bài này thành công nhất.
Ai ra xứ Huế, Dạ cổ hoài lang, Bà rằng bà rí (dân ca Bắc Bộ) có thể gây bất ngờ với một số khán giả trẻ, còn khán giả quen thuộc của Ái Vân hẳn cho rằng đinh của album vẫn là Ngậm ngùi, Triệu bông hồng.
Như nói đến Celine Dion thì trước hết phải là Flower of love, My heart will go on vậy. Hàng xe tải hồng, cúc rực rỡ đủ màu được huy động để làm bối cảnh cho những thước phim lãng mạn Triệu bông hồng, Ngậm ngùi, Tình cầm… (không chỉ quay ở Đà Lạt).
Được đánh giá như một phim ca nhạc chứ không chỉ album còn bởi Hoa hồng ký ức đầy khuôn hình trau chuốt. Ba đạo diễn Phan Điền, Phạm Đông Hồng, Phạm Việt Thanh mỗi người một tạng, bắt được thần, sở trường của ca sĩ.
Như với Đêm ả đào chất liệu ca trù (vốn không phải sở trường của Phú Quang), Ái Vân chọn lối trình diễn kịch tính cộng với sự dàn dựng giàu chất xi-nê của Phạm Việt Thanh. Xuyên suốt album là giọng kể chuyện của ca sĩ, giá giản dị và bớt sân khấu hóa, chắc hiệu quả còn cao hơn.
Trong miền ký ức
Buổi ra mắt Hoa hồng ký ức tại quán cà phê Phố (Hà Nội) không có chủ sự. Ái Vân gọi từ Mỹ, phi lộ đôi lời, vẻ xúc động. Bạn bè thay Ái Vân kể về chị.
NSƯT Mạnh Hà người có giọng hát cao vút, nói: “Chúng tôi vẫn gọi Ái Vân là Tây Thi Việt Nam nhưng trời cho Ái Vân nhan sắc mà không phú cho giọng đặc sắc như Lê Dung, Quang Thọ... Vân sẽ chỉ là một người đẹp nếu không có sự nỗ lực phấn đấu không ngừng”.
Trong bài Fan một thời, tôi từng kể về những nghệ sĩ như Ái Vân mà nếu sống trong nước thì luôn là tâm điểm, “hắt hơi sổ mũi thì cả nước biết”.
Gia đình chị mấy thế hệ ở phố Huế nên khán giả như tôi, nói mình là dân phố Huế thường bị hỏi có gần nhà Ái Vân. Trả lời: “Đổ rác chung”. (Chẳng là cả phố đổ rác theo kẻng, cứ keng keng là mỗi người mang một thùng ra xe tải trút).
18 tuổi chị vào vai chị Nhung trong phim truyện cùng tên, đẹp rực rỡ. Nghe cậu, dì tôi kể thế hệ thanh niên Hà Nội thời bấy giờ mỗi người thủ trong ví một bức ảnh chị Nhung.
Cũng như sau bộ phim Trên từng cây số thì chị em ra sức thủ ảnh chàng Dayanov tức diễn viên Stephan Danailov người Bungary, có chiếc cằm chẻ và vẻ đẹp hút hồn.
Trong Hoa hồng ký ức có những hình ảnh đó: Thời thanh niên sôi nổi của Chị Nhung; lần đầu hát Triệu bông hồng; lần đoạt giải Grand Prix ở Dresden (Đức) vì Bài ca xây dựng và Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế; những cuộc biểu diễn ở sân khấu các nước XHCN...
Có hình ảnh Ái Vân ngồi đan len bên các con với mái tóc trọc vì hóa chất. Hình ảnh chị bước ra sân khấu chào khán giả và hát với một bên ngực băng bó sau cuộc đại phẫu. Hình ảnh Hà Nội thân thương nơi mà “những cuộc tình của tôi đều có lối đi riêng” (chông gai) dù suốt đời chị sống trong tình thương yêu vô bờ của gia đình...
Vẫn Mạnh Hà, người hát Chiếc gậy Trường Sơn hay nhất, nhớ lại: Năm 1982 tôi cùng Ái Vân dự liên hoan âm nhạc quốc tế Giai điệu bạn bè ở Nga. Toàn những ca sĩ kinh khủng, như Nga có Sophia Rotaru. Ái Vân được chọn hát kết chương trình.
Lúc đầu ca sĩ các nước bạn xì xào “cô Việt Nam này hát làm sao được”. Nhưng rồi khi Ái Vân cất tiếng, tất cả đều thừa nhận không có sự ưu tiên nào. Còn năm 1978 thì Vân được ưu tiên ngồi trên ba quả bom xăng, cùng với tôi ngồi xe tải biểu diễn phục vụ bộ đội ở biên giới Campuchia. Gian nan không kém mặt trận chính đâu”.
Trên một diễn đàn âm nhạc, có khán giả trẻ hỏi “Nữ nghệ sĩ Ái Vân, có ai biết nhiều về chị?”. Thế hệ ruột của Ái Vân đa số bước vào tuổi hoài niệm cả rồi.
Trong DVD đầu tiên này bài trẻ nhất là Bảy ngày đợi mong (Anh hẹn em cuối tuần/Chờ anh nơi cuối phố…) có vẻ ít phù hợp Ái Vân nhất. Chị biết vậy nhưng vẫn chọn có lẽ vì muốn cân bằng lực lượng khán giả của mình.
Nghe như có vẻ "Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau" khi ở cuối album chị ngỏ lời “cảm ơn những ký ức” dẫu ký ức đó không chỉ có hoa hồng.