Ai trả chi phí điều trị COVID-19 cho bệnh nhân nước ngoài tại Việt Nam?

Ai trả chi phí điều trị COVID-19 cho bệnh nhân nước ngoài tại Việt Nam?
TPO - Chiều ngày 8/6, Tiểu ban Điều trị cho biết đã có bệnh nhân COVID-19 người Anh điều trị tại Việt Nam được hãng bảo hiểm chi trả 2,3 tỷ đồng. Trung bình chi phí điều trị 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư là 20-45 triệu đồng. 

Cụ thể, hầu hết các bệnh nhân quốc tịch nước ngoài điều trị COVID-19 tại Việt Nam đều mua Bảo hiểm Du lịch và được các hãng này chi trả chi phí điều trị COVID-19 tại Việt Nam.

Bệnh viện sẽ không trừ trực tiếp số tiền bảo hiểm ngoài chi trả vào viện phí như một số bệnh viện quốc tế, mà bệnh viện làm báo cáo y tế và gửi thông tin chi phí chi tiết cho đại diện hãng bảo hiểm, sau đó hãng bảo hiểm sẽ xác nhận số tiền họ trả cho bệnh nhân là bao nhiêu và bệnh nhân phải trả bao nhiêu. Ngoài ra các hãng bảo hiểm còn chi trả cả chi phí gia hạn Visa.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đã có 2 bệnh nhân nguy kịch, quốc tịch Anh được bảo hiểm du lịch chi trả. Theo đó, bệnh nhân 26, tổng chi phí đã được bảo hiểm thanh toán: 538 triệu đồng; bệnh nhân 23, tổng chi phí 284 triệu đồng

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, bệnh nhân 30 tổng chi phí hết 2,3 tỷ đồng đã được thanh toán.

Liên quan đến bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đã điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và hiện là Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện nay đang được hãng bảo hiểm xem xét hồ sơ.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, riêng chi phí điều trị cho phi công người Anh tại bệnh viện là khoảng 3,5 tỷ đồng. Bệnh viện đã làm việc với đại diện công ty cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân về việc chi trả chi phí này.

Hiện nay tại Việt Nam đã có 49/50 bệnh nhân quốc tịch nước ngoài được công bố khỏi bệnh. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh vẫn trong tình trạng nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Về diễn biến sức khoẻ của nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, tiên lượng còn nặng dù đã ngưng được ECMO, tuy nhiên bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.

Tới sáng 8/6, bệnh nhân 91 đã giảm sốt, đáp ứng với kháng sinh. Bệnh nhân tỉnh táo, sức cơ toàn thân cải thiện dần, 2 chân còn yếu 2/5. Sức cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu, cần mức hỗ trợ áp lực 15 cmH2O để có được thông khí phổi đạt mục tiêu điều trị (khi mức hỗ trợ áp lực còn 7 cmH2O, có thể ngưng thở máy).

Bệnh nhân đang được tập cai máy thở dần, kháng sinh, kháng đông và dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các bác sĩ cũng tiến hành tập vật lý trị liệu cho người bệnh 2 lần/ngày, điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét cùng cụt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.