Ai tiếp tay Cao Minh Huệ làm thất thoát hàng trăm tỷ?

Ai tiếp tay Cao Minh Huệ làm thất thoát hàng trăm tỷ?
TP - Nguyên Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương Cao Minh Huệ (vừa bị khởi tố, bắt giam sáng 29/10) khó làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng, nếu không được nhiều người “tiếp tay”.

Tháng 2/1999, Cty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu Sông Bé (Sobexco) có tờ trình xin UBND tỉnh Bình Dương cho bán đấu giá 300 ha vườn cao su để trả lãi vay, được UBND tỉnh có văn bản chấp thuận, giá bán khởi điểm 22 triệu đồng/ha, với điều kiện phải ghi rõ không tính giá trị đất.

Việc đấu giá không thành vì chỉ có một người đăng ký. Ông Trần Văn Tới (ngụ TPHCM) đồng ý mua trọn 300 ha và đề nghị địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), cam kết khi Nhà nước ban hành đơn giá thì sẽ trả GCNQSDĐ để chuyển sang hình thức thuê đất.

Tháng 12/1999, lãnh đạo Sở NN&PTNT có công văn đề xuất, nhưng UBND tỉnh có công văn trả lời, yêu cầu người mua phải thuê đất. Thế là ông Tới bỏ cuộc.

Ngày 4/9/1999, các Sở NN&PTNT, Tài chính vật giá, Cục Quản lý vốn và Cty Sobexco tổ chức cuộc họp, các bên đồng ý “việc thực hiện chuyển QSDĐ cho người trúng đấu giá do Sobexco đảm nhận và chịu chi phí”.

Sau cuộc họp này, tỉnh Bình Dương quyết định chia nhỏ vườn cao su bán cho nhiều người với giá 24 triệu đồng/ha (cao hơn giá cũ hai triệu đồng/ha). Lãnh đạo Sở NN&PTNT trình phương án, nhưng giấu nhẹm chuyện các sở ngành liên quan đã thống nhất việc chuyển QSDĐ cho người mua. Vì vậy, UBND tỉnh có Văn bản số 652 ngày 17/3/2000, đồng ý giá bán. Sau đó, 41 người mua được, trong đó có ông Phạm Soại (ngụ TPHCM).

Sau khi Sobexco hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng, trong đó ghi rõ “kèm giá trị sử dụng đất”, tháng 9/2000, Giám đốc Sở Địa chính Cao Minh Huệ  - thành viên hội đồng đấu giá - có Tờ trình số 542 đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất (gần 307 ha) của Sobexco giao UBND huyện Bến Cát cấp GCNQSDĐ cho 41 người mua.

Tờ trình này “thòng” một câu rằng Sobexco tuy là doanh nghiệp nhà nước nhưng nguồn vốn đầu tư chưa được Chi cục Tài chính DN tỉnh xác nhận có nguồn gốc từ ngân sách hay không nên có thể tách riêng giá trị đất giao Sobexco quản lý sử dụng theo phương thức ghi thu, ghi chi.

Sau đó, ông Phan Hồng Đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký Công văn số 4004 chấp thuận đề nghị của ông Cao Minh Huệ thu hồi đất, giao UBND huyện bến Cát cấp GCNQSDĐ cho 41 người mua.

Đuôi lọt

Tháng 11/2000, lấy lý do phải trả nợ ngân hàng, Sobexco trình phương án bán tiếp 342 ha (thực chất là 353 ha) vườn cao su (đợt 2), và được Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương chấp thuận ngày 1/12/2000.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 10/4/2001, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lợi chỉ đạo: Hội đồng thanh lý tài sản xem xét, xác định giá thanh lý vườn cây trước đây, nếu chưa phù hợp với hiện tại thì cho tiến hành định giá lại, và tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Ba ngày sau, Hội đồng định giá thanh lý (gồm Sở ĐC, TCVG, Sobexco) họp thống nhất giá bán bình quân là 50 triệu đồng/ha và có Văn bản số 301 trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó nói rõ giá trên không tính giá trị đất. Trên cơ sở đó, ông Trần Văn Lợi có Văn bản số 1297 chấp thuận.

Cũng như lần trước, ban đầu có năm đơn vị, cá nhân đăng ký, nhưng cuối cùng chỉ có ông Phạm Soại ký quỹ, nên Hội đồng đề nghị không đấu giá mà tiếp tục bán thẳng cho ông Phạm Soại, giá 50 triệu đồng/ha (không bao gồm giá trị đất), và được chấp thuận.

Tại báo cáo phương án giải thể ngày 31/1/2002, lãnh đạo Sobexco cho rằng chênh lệch giữa giá bán hơn 658 ha cao su và giá trị đầu tư vườn cao su là hơn 8,3 tỷ đồng, nên khoản chênh lệch này coi như là giá trị đất của vườn cây. Sobexco đã bán hai đợt, UBND tỉnh lần lượt có văn bản “định giá bán không tính giá trị đất”. Nay theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là tính giá trị đất vào giá bán, Cty không biết tính như thế nào(!!!).

Trước tình thế này, tại cuộc họp ngày 4/3/2002, chủ tịch UBND Hồ Minh Phương đã yêu cầu thực hiện phương án đưa giá trị tiền SDĐ vào để thanh lý nợ. Sau khi cân đối tài chính, Sobexco chỉ còn lại hơn 148 triệu đồng nộp ngân sách.

Đất công thành đất tư

Thực ra, ngay từ giữa năm 2001, Giám đốc Cty Sobexco Nguyễn Thanh Hải đã lẳng lặng ký hợp đồng chuyển nhượng vườn cao su “kèm theo QSDĐ” cho nhiều cá nhân, trong đó có bà Nguyễn Thị Tha, đứng tên giùm cho bà Hà Thị Lan - vợ ông Cao Minh Huệ. Và, khoản chênh lệch mà Sobexco cho là giá trị đất, chính là lợi nhuận của vườn cao su 4 -7 năm tuổi.

Nhưng quan trọng hơn, vườn cao su đã được các quan chức Sở NN&PTNT, TCVG, ĐC... định giá thấp hơn khoảng 10 triệu đồng/ha (với lý do sốt đất vì quy hoạch khu di tích địa đạo Tây Nam) so với giá thực tế vườn cao su cùng khu vực mà người dân rao bán tại thời điểm trên. Khoản chênh lệch này mới thực sự là giá trị QSDĐ đất.

Với thủ đoạn tinh vi nói trên, gia đình nhiều quan chức tỉnh Bình Dương (trong đó có ông Cao Minh Huệ) đã thu gom được hàng trăm hécta đất công mà không phải nộp bất kỳ khoản tiền sử dụng đất nào.

Kỳ 2: Biến đất tư thành khu công nghiệp ảo

MỚI - NÓNG