Theo báo cáo công bố hôm qua, trong năm tài chính 2015, khoản lỗ hoạt động của công ty này đã tăng gấp 3, lên 1,5 tỷ USD. Nguyên nhân là nhu cầu màn hình LCD suy giảm. Doanh thu mảng này đã mất 23% so với năm trước đó.
Hãng công nghệ Đài Loan - Foxconn đã trả 3,5 tỷ USD lấy 66% cổ phần Sharp hồi đầu tháng này. Họ cho biết sẽ cắt giảm nhân sự để tăng hiệu suất và lật ngược tình thế cho Sharp. Cổ phiếu Sharp sáng nay đã tăng 6% nhờ thông tin này. Trong khi đó, cổ phiếu Foxconn tăng hơn 2%.
Tuy nhiên, Atul Goyal - nhà phân tích cấp cao tại Jefferies cho rằng nhà đầu tư không nên vội mừng. "Tôi không quá lạc quan về Sharp. Vấn đề của họ không chỉ nằm ở mảng LCD, mà còn ở rất nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng khác nữa. Doanh thu các mảng này cũng đang giảm 20-30%", ông cho biết trên CNBC.
Trên thực tế, mọi mảng thiết bị tiêu dùng của Sharp, trừ camera, đều có doanh thu đi xuống năm qua. Riêng mảng điện thoại giảm 24%, phản ánh sự bão hòa trên thị trường smartphone toàn cầu.
"Khó khăn tài chính của Sharp không che mắt được các khách hàng đâu. Chúng tôi cho rằng việc mất danh tiếng sẽ khiến thị phần của họ tiếp tục đi xuống", ông nói.
Chủ tịch Foxconn - Terry Gou đã chỉ định Tai Jeng-wu - hiện là Phó chủ tịch Foxconn - làm chủ tịch mới của Sharp hôm qua. Tai sẽ là người nước ngoài đầu tiên lãnh đạo công ty 104 năm tuổi này.
Các công ty Nhật Bản từ lâu đã bị kêu gọi cho nhiều người nước ngoài vào lực lượng lao động, do dân số nước này đang giảm, và cũng là để thổi luồng gió mới vào văn hóa doanh nghiệp truyền thống tại đây.
Sharp đang cố đa dạng hóa doanh thu bằng cách gia nhập thị trường màn hình OLED. Tháng trước, hãng cam kết đầu tư 2 tỷ USD cho mảng này trong 4 năm tới.
Tuy nhiên, Goyal cho rằng động thái này "đã quá muộn và quy mô cũng không đủ lớn". Các đối thủ như Samsung đã có chỗ đứng quá vững. Hiện đại gia Hàn Quốc nắm 95% thị phần màn hình OLED cho di động. Vị trí này của họ có lẽ còn được củng cố sau thông tin mới ký hợp đồng sản xuất màn hình OLED cho các iPhone sau này của Apple.