Ai có quyền cho thành lập trường đại học?

Ai có quyền cho thành lập trường đại học?
Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (từ Australia), tốt nhất là chính quyền tỉnh hay thành phố được giao quyền cho thành lập trường đại học. Trong giai đoạn chuyển tiếp có thể là Bộ GD&ĐT, nhưng về lâu dài phải là chính quyền tỉnh hay thành phố.
Ai có quyền cho thành lập trường đại học? ảnh 1
Sinh viên trong một giờ học trên giảng đường đại học

Muốn có chất lượng được cộng đồng giáo dục quốc tế thừa nhận, Việt Nam phải hiểu chất lượng một cách chính thức rằng, nó là một sự bện quyện nhuần nhuyễn giữa yếu tố vật thể (cơ sở vật chất, trang thiết bị) và yếu tố phi vật thể (triết lý dạy và học, chương trình đào tạo, phương thức quản lý).

Cả hai yếu tố ấy chủ yếu sẽ được cộng đồng xã hội nơi địa phương của trường đại học được thành lập cung cấp, xây dựng, nuôi dưỡng và làm cho lớn mạnh lên. Nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong một tỉnh hay thành phố.

Do đó, người có quyền cho thành lập một trường đại học thích hợp nhất có nên chăng là trao cho chính quyền địa phương đại diện, bởi chủ tịch UBND tỉnh hay thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) quyết định

Vì tính cách cực kỳ đặc biệt của một trường đại học - nơi sản sinh, lưu truyền và phát triển tri thức và có ảnh hưởng rất lớn trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, nên muốn thành lập một trường đại học, vị chủ tịch UBND tỉnh hay thành phố phải dựa trên sự tham mưu của một ban tư vấn độc lập gồm các thành viên trong nước và quốc tế (không nhất thiết chỉ giới hạn trong địa phương).

Họ là những chuyên gia đầu ngành trong mỗi lĩnh vực, các nhà quản lý giáo dục uy tín, các doanh nhân thành đạt, các nhà khoa học có những đóng góp lớn. Ban tư vấn này dựa trên các tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành và tình hình địa phương để tư vấn cho chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) đưa ra quyết định.

Uy tín có được của một trường đại học từ yếu tố chất lượng là hoàn toàn do nỗ lực của tất cả cộng đồng trong trường, cộng đồng địa phương và uy tín của hội đồng tư vấn thành lập trường quyết tâm xây dựng nên, không phải do một cơ quan hay tổ chức nào nào ban cho.

Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo cả nước, Thủ tướng không làm công việc chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT có chức năng đưa ra các chính sách, đường lối phát triển giáo dục cho cả nước, do đó bộ này cũng không thể nào nhận thêm chức năng làm công tác quản lý thay cho các trường đại học.

Hiện tượng "trăm hoa đua nở" các trường đại học tư thục trong những năm gần đây không bắt nguồn từ ước vọng cao cả về giáo dục, mà từ những động cơ khác. Các xã hội phương Tây không có truyền thống xây dựng trường học để chia lợi nhuận. Họ muốn xây dựng một mô hình giáo dục mà họ nghĩ là sẽ giúp cho cộng đồng xã hội nơi họ sinh sống phát triển.

Nếu đưa quyền thành lập trường đại học cho chính quyền địa phương với ban tư vấn độc lập gồm các thành viên nổi tiếng trong nước và quốc tế và có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của các hội đồng liên quan do Bộ GD&ĐT thành lập thì sẽ tránh được sự ra đời ồ ạt của các trường đại học thiếu chất lượng.

Nhiệm vụ chính của bộ giáo dục trong các nước phát triển là xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, phát minh có chất lượng cao;

Nếu được đề xuất cơ quan hoặc cá nhân có quyền thành lập các trường đại học thì sự lựa chọn tốt nhất là chính quyền tỉnh hay thành phố.

Trong giai đoạn chuyển tiếp có thể là Bộ GDĐT, nhưng về lâu, về dài phải là chính quyền tỉnh hay thành phố.

Khuyến khích xây dựng các mô hình và công cụ quản lý khoa học và có hiệu quả cao, các chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của phát triển khoa học, kỹ thuật;

Phân bố ngân sách giáo dục đại học dựa trên sự phát triển của từng địa phương;

Xây dựng các chính sách hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, tư vấn và nghiên cứu; và đặc biệt quan trọng là thành lập các hội đồng cố vấn cho Bộ GD&ĐT về các vấn đề chuyên môn.

Các tổ chức và hội đồng chuyên môn này thường đóng một vai trò tư vấn rất quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo. Tại nhiều nước, việc mở các cơ sở giáo dục đào tạo là trách nhiệm luật pháp trao cho các bang hoặc chính quyền địa phương.

Cần một hình thức chế tài

Các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập tại nhiều khu vực trên thế giới (Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Úc, New Zealand, Châu Âu, Châu Á ) thường có hai chức năng chính: Chức năng cho ý kiến tư vấn để thành lập mới các trường đại học và chức năng kiểm định chất lượng có định kỳ trong các trường đại học.

Theo dõi chất lượng là một quá trình do những người trong các trường tự đảm nhận. Tổ chức kiểm định không làm công tác thanh tra, mà chỉ nêu ra những gì tại trường chưa đạt để cho trường tự đưa ra các giải pháp điều chỉnh, sửa đổi.

Theo quy định, kết quả của kiểm định chất lượng phải được đưa công khai lên mạng theo một thời biểu đã được thỏa thuận trước. Sau thời gian ấn định để cho một trường điều chỉnh những sai sót, nếu trường không thực hiện được thì trường sẽ phải chấp nhận một hình thức chế tài. Nặng nhất là trường không được tiếp tục hoạt động.

Bộ GD&ĐT tại một số nước có nhiều sinh viên quốc tế đến học thường bắt buộc trường phải đóng bảo hiểm rủi ro phòng ngừa lúc trường phải đóng cửa. Nếu đóng cửa một trường đại học thì phải giải quyết như thế nào đối với số sinh viên đang học tại trường ấy. Tại Việt Nam, tôi nghĩ cũng cần có các quy định tương tự trong các văn bản pháp lý cao nhất.

GS Nguyễn Xuân Thu (từ Australia)
Theo Lao Động

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.