Ai Cập ngăn chặn sinh viên biểu tình

Sinh viên Đại học Al Azhar tản ra sau khi bị cảnh sát ném lựu đạn cay ngày 20/10/2013. Ảnh: Daily News Egypt
Sinh viên Đại học Al Azhar tản ra sau khi bị cảnh sát ném lựu đạn cay ngày 20/10/2013. Ảnh: Daily News Egypt
TP - Ngày 11/10, các trường đại học ở Ai Cập bước vào năm học mới, đồng thời đón nhận nhiều quy định mới nhằm ngăn sự tái diễn làn sóng biểu tình năm ngoái làm 16 sinh viên thiệt mạng.

Bước trong khuôn viên Đại học Al Azhar, nữ sinh viên Hend cảm thấy các hồn ma đang vây quanh mình. “Tôi nhìn thấy những cảnh tượng, tôi nhìn những khuôn mặt trước đây”, cô nói.

Sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị giới quân sự truất quyền hồi tháng 7 năm ngoái và sau các đợt trấn áp dài ngày của cảnh sát nhằm vãn hồi trật tự trên đường phố Ai Cập, các hoạt động ủng hộ ông Morsi nổ ra tại nhiều trường đại học. 

Nhiều bạn cùng lớp, cùng trường của Hend đối mặt lựu đạn cay, đạn cao su và đôi lúc cả đạn thật. Nhiều sinh viên viết, vẽ các khẩu hiệu chống chế độ lên các bức tường của Al Azhar - trung tâm học thuật Hồi giáo nổi tiếng thế giới với tuổi đời hơn ngàn năm. Hiện nay, các hình vẽ graffiti đã được cạo bỏ, khoảng trống phía dưới trông sạch sẽ một cách không tự nhiên. Đôi chỗ còn lại dấu đạn lờ mờ.

Mệt mỏi và vỡ mộng

Trước thềm năm học mới (bắt đầu từ ngày 11/10), giới chức Ai Cập quyết định áp dụng tăng cường biện pháp an ninh tại khuôn viên các trường đại học để đảm bảo các đợt xô xát bạo lực sẽ không tái diễn. Lãnh đạo trường đại học được trao quyền kiểm soát bầu cử các khoa, phòng và có quyền sa thải những nhân viên phát ngôn “khó lọt tai”.

Phong trào hoạt động của sinh viên là vườn ươm chính khách Ai Cập tương lai. Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi (nay đã bị cấm hoạt động) từng chiếm lĩnh trung tâm phong trào sinh viên hậu Morsi. Anh em Hồi giáo có truyền thống cẩn thận chọn lựa thành viên từ khuôn viên các trường đại học.

Thế nhưng, giờ đây nếu bước qua cổng các trường đại học được tăng cường an ninh, người ta sẽ thấy không khí trầm lắng hẳn. Sau một năm dài đầy rẫy khó khăn, nhiều sinh viên thuộc hàng “to mồm” nhất trong phong trào biểu tình năm ngoái giờ đây nói rằng, họ mệt mỏi và vỡ mộng.

Năm ngoái, hơn 800 sinh viên bị bắt trong các cuộc biểu tình, 16 người thiệt mạng, các tổ chức địa phương thống kê. “Các yêu cầu của chúng tôi không thay đổi, nhưng tình hình vẫn diễn tiến mà không có chúng tôi. Tất cả những gì chúng tôi đạt được chỉ là bạn bè vào nhà giam, bạn bè xuống mồ”, Hend nói. Nữ sinh viên có đôi mắt to và phong thái trầm buồn này từng tham gia lãnh đạo phong trào biểu tình ở Al Azhar.

Vì bỏ các kỳ thi học kỳ trước nên giờ đây Hend phải học lại năm thứ nhất. Năm ngoái, Hend và các bạn cô đã nỗ lực rất nhiều để khuyến khích những sinh viên khác tham gia biểu tình. Giờ đây, Hend nói rằng, cô sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn về việc cân bằng giữa bày tỏ chính kiến về các vần đề chính trị-xã hội và học chuyên môn. Hend từng hy vọng trở thành người phiên dịch. “Giờ tôi không còn nghĩ nhiều về tương lai nữa. Đời tôi đã thay đổi vĩnh viễn”, cô thở dài.

Nhiều người bạn của cô cũng chung tâm trạng. Esraa, một trong số 155.000 sinh viên Đại học Cairo, bị thương nặng trong cuộc biểu tình ngày 25/1/2014. Một viên đạn xuyên qua cột sống khiến cô gần như tê liệt. “Việc biểu tình đã lấy đi của tôi nhiều thứ. Tôi vẫn tin vào việc đó, nhưng chúng tôi có thể làm được điều gì tốt đẹp thông qua biểu tình?”, Esraa buồn bã nói, trong khi ngồi bắt chéo chân trong phòng mình. Đến nay, cô vẫn quanh quẩn trong nhà, chưa tự đi lại được.

Các biện pháp mới

Lo ngại những bất ổn mới có thể xảy ra, lãnh đạo Đại học Al Azhar bổ sung mục mới trong đơn xin ở trong ký túc xá. Sinh viên giờ phải ký vào mẫu đơn có đoạn viết: “Tôi xin hứa sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào tại ký túc xá của trường”. Năm ngoái, khoảng 500 sinh viên bị cấm sống trong ký túc xá.

Falcom (Chim ưng), một công ty an ninh tư nhân, được thuê để đảm bảo an ninh, an toàn cho ít nhất 15 trường đại học khắp Ai Cập. Trước đây, công ty này bị cáo buộc đã quá mạnh tay khi xử lý đám đông quá khích trong các trận bóng đá.   

Nội các Ai Cập đã đồng ý sửa đổi quy định đối với người công tác tại các trường đại học, theo đó cho phép sa thải “thẳng cánh” nhân viên vi phạm nội quy của trường mà không phải xem xét đơn xin xét lại. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cũng ra nghị định tái áp dụng việc chính phủ trực tiếp bổ nhiệm lãnh đạo các trường đại học.

Một số người cho rằng, những thay đổi này (được thông qua mà không cần ý kiến của các hội đồng khoa, ngành) sẽ tác động đáng kể tới sự độc lập của các trường đại học.

“Họ đang xóa bỏ những chiến thắng đạt được trong cuộc chiến lâu dài giành độc lập cho các trường đại học. Họ thậm chí đang cố gắng bóp nghẹt phong trào hòa bình trong nhà trường”, nhà nghiên cứu Mohamed Nagy (công tác tại Hiệp hội Tự do Tư tưởng và Biểu đạt ở thủ đô Cairo) nhận định.

Một số giáo sư công tác tại các trường đại học Ai Cập nói rằng, họ sẽ thảo luận với Hội đồng Tối cao về Giáo dục Đại học về việc duy trì sự độc lập của các trường. Randa Abu Bakr, giáo sư giảng dạy Văn học Anh tại Đại học Cairo, cho rằng, các biện pháp phòng chống biểu tình không chỉ nhằm vào Anh em Hồi giáo.

Theo CSM, Xinhua
MỚI - NÓNG