Ai biết nâng ly, hạ ly?

Đờn ca tài tử bên bàn nhậu. Ảnh: Sáu nghệ
Đờn ca tài tử bên bàn nhậu. Ảnh: Sáu nghệ
TP - Dân gian có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong” nhưng thời nay ngay cả phụ nữ, mấy ai không một lần nâng ly bia rượu? Bia rượu đi vào tập tục, chắc chắn không phải chỉ có xấu xa, thì cũng bật ra câu hỏi: “Bao nhiêu người thật sự biết cách nâng ly, hạ ly?”.

> Uống nhiều rượu, chết từ từ
> Vào Viện Sức khỏe tâm thần nghe chuyện rượu

Bình đẳng

Thấy ông Sáu Sót, Giám đốc Cty Thương mại Cần Thơ, nhậu cùng lái xe của ông thì phần nào hiểu được nhậu ở xứ nhậu ĐBSCL. Bàn có nhiều người, nửa chừng, ông cầm ly rượu bảo uống với lái xe “để thiên hạ khỏi nghi ngờ thầy trò không đoàn kết”.

Ông tợp một cái rồi đưa ly sang lái xe nhưng anh lái xe không cầm, nói “chưa được năm mươi phần trăm”. Ông Sáu Sót phải uống thêm cho đúng năm mươi phần trăm, lúc ấy anh lái xe mới cầm ly uống nửa còn lại và nhắc “tí về ta đi taxi”.

Bữa có đám ở quê ông Tám Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, ông ngồi với mấy ông nông dân. Một ông nông dân cầm ly rượu bảo: “Lâu rồi, tao mới uống với Tám Thanh, cạn nghe”. Ông cạn ly và ông Tám Thanh cũng cạn ly. Hỏi nhỏ, ông kia là ai, ông Tám Thanh trả lời “hàng xóm, hơn tôi hai tuổi”.

Ăn nhậu ở ĐBSCL bình đẳng, chỉ phân thứ bậc theo tuổi tác, không theo chức vụ xã hội. Ngoài xã hội ông làm gì kệ ông, vào bàn nhậu như mọi người.

Lần đầu phóng viên Tiền Phong xuống xã, đường sá trắc trở đò giang, cuối chiều mới tới nơi, gặp ông chủ tịch xã ông bảo “nhậu đã, mai làm”. Giữa chừng cứ sợ ổng quên nên nhắc khéo công việc, ông rót đầy ly “phạt cái tội nói chuyện công việc trong bữa nhậu. Bây giờ uống rượu tiêu sầu/ngày mai công việc bắt đầu hãy lo”. Sáng mai việc chạy vo vo, hỏi gì ông chủ tịch nói nấy. Ông bảo “nhà báo này chơi được”. Dân nhậu kỵ nhất mấy người giả bộ. Ăn nhậu còn giả dối thì làm được việc gì thiệt tâm thiệt tình?

Nhưng thiệt tình khác với bỗ bã, ồn ào. Dân nhậu có nghề, ngồi mâm nhậu luôn nhẹ nhàng, từ tốn; cầm ly thận trọng, nâng ly dịu dàng, cụng ly ân cần và đặt ly xuống không một tiếng động. Ăn nhã nhặn, uống nhã nhặn, nói cười nhã nhặn để giữ hòa khí trong bàn nhậu nhưng không giữ kẽ, chân thật hồn nhiên biết gì nói nấy, sức bao nhiêu uống bấy nhiêu, cứ tỉnh queo thì đó là bậc sư phụ ăn nhậu.

Thiệt tình cũng không có nghĩa “nhậu quên đường về”. Tối kỵ với dân nhậu là để tối tăm mặt mũi, không làm chủ được hành vi bởi nhậu như thế khó bền. Nhậu bền là nhậu rồi còn giữ mình để nhậu được nhiều lần về sau nữa. Nhậu mà chỉ biết rượu bia cũng không được, như có người rề rề ở quán nhậu nhác bóng quen biết là “ai kêu tôi đó, có tôi đây” sà vào kiếm dăm ba ly thì bạn bè cũng tránh, vì nhậu cái chính phải thấy bạn bè, tình nghĩa. Nhậu “có nghề” biết cữ để dừng, luôn ráng giữ sự vui vẻ tử tế với nhau. Thấy bạn nhậu nhìn lơ ngơ thì không ép nữa, giúp bạn ngừng uống.

Nhậu say vào phòng vợ bạn

Nhậu như ông Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước (Mỹ Tú, Sóc Trăng) hai năm trước là quá trớn. Ông này được ông Mật mời đến nhà nhậu, đêm tối kêu hơi mệt nên ngủ lại, nửa đêm đi vệ sinh rồi chui vào mùng của vợ ông Mật, ôm lấy bà khiến bà la làng. Cũng ở tỉnh Sóc Trăng nhưng bên huyện Long Phú, ông Phó công an xã Châu Khánh nhậu tiếng xấu để đời. Buổi tối, gia đình nọ tổ chức nhậu và mời ông, nửa chừng mất bóng ông, tìm thì thấy ông trong phòng kín với vợ của bạn. Ông nói, nhức đầu nên mang dầu gió vào phòng kín để “xức” cho nhau. Nhậu như thế chẳng ai dám nhậu với nữa.

Cuối năm ngoái, ở xã Nhựt Chánh (Bến Lức, Long An) có cuộc nhậu mấy người, sau còn ông Phan Văn Thắng và Phan Văn Ríp mua thêm hai lít và thách nhau uống. Kết cục, ông Ríp chết tại chỗ, ông Thắng phải vào viện cấp cứu. Còn nhậu rồi đánh nhau, đầu bể máu chảy thì xảy ra khắp nơi. Nhậu như thế chỉ được một lần.

Dường như người xưa và nay đều thông minh, khi nhậu lâng lâng sa đà thường biết chuyển ly sang ca …hát. Có người nói, đờn ca tài tử phát triển nhờ góp phần của rượu. Trăm năm nổi trôi sông nước, miệt vườn, rượu với vọng cổ ngân nga biến hóa không ngừng. Người “sành điệu” ĐBSCL giờ vẫn vậy, nhậu hay kết thúc bằng đờn ca. “Ai nâng ly, ai cầm ly, ai uống đi cho tôi mượn cái ly/Dô đi anh, dù trời mưa tôi vẫn đưa anh về”. Người cất lên: “Say men say rượu ta vẫn tỉnh/Say đắm duyên tình ấy mới say”, người họa lại: “Rượu ngon cái cặn cũng ngon/Thương em bất luận chồng con mấy đời”. Các bà các cô cũng: “Ơ ầu ơ…Gặp anh đi buôn bán giữa đàng/Đây mang cái bụng chửa mà anh có thương nàng hay không?”.

Xảy ra đổ máu ly bể ghế gãy và đủ thứ bầy hầy khác là kết cục của sa đà. Trong đó, đa phần khoe khoang chiến tích quá khứ, khoe chuyện đã qua, khó kiểm chứng, bên bàn nhậu càng không thể kiểm chứng, nên dễ nóng mặt với nhau. Nói chung các loại chiến tích quá khứ đem khoe khoang tương tự đàn ông khoe khoang chiến tích chinh phục phụ nữ, thường có ít xít ra nhiều, lắm khi chỉ là sáng tác tại chỗ.

Nhưng thiệt tình khác với bỗ bã, ồn ào. Dân nhậu có nghề, ngồi mâm nhậu luôn nhẹ nhàng, từ tốn; cầm ly thận trọng, nâng ly dịu dàng, cụng ly ân cần và đặt ly xuống không một tiếng động. Ăn nhã nhặn, uống nhã nhặn, nói cười nhã nhặn để giữ hoà khí trong bàn nhậu nhưng không giữ kẽ, chân thật hồn nhiên biết gì nói nấy, sức bao nhiêu uống bấy nhiêu, cứ tỉnh queo thì đó là bậc sư phụ ăn nhậu.
Thấy người vào bàn nhậu cứ hồn nhiên nói cười và thiệt tình uống, không cao giọng tỏ vẻ gì cả từ đầu đến cuối thì kính nể vô cùng. Dù họ đã lớn tuổi cũng không thấy họ già, cứ như bia rượu là thuốc bổ “cải lão hoàn đồng”. Lại thấy người còn ít tuổi mà tay nâng ly là nói chuyện mây xanh, nổ như chuyển cả kho bom đến bên bàn nhậu, thì bia rượu đã thành thuốc độc “biến trẻ thành già cỗi”.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.