Ai bảo vệ cầu thủ khi ký hợp đồng với CLB?

Giá trị hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng và nhiều đồng đội tăng cao sau thành công tại VCK U23 châu Á. Tuy nhiên, các cầu thủ chưa biết cách bảo vệ và khai thác giá trị hình ảnh của mình
Giá trị hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng và nhiều đồng đội tăng cao sau thành công tại VCK U23 châu Á. Tuy nhiên, các cầu thủ chưa biết cách bảo vệ và khai thác giá trị hình ảnh của mình
TP - Đấy là câu hỏi đang được đặt ra trong bối cảnh bóng đá Việt Nam có nhiều thay đổi, giá trị thương mại của các cầu thủ gia tăng nhưng đa số không được bảo vệ khi ký kết hợp đồng với các CLB.

Chuyện cầu thủ chịu thiệt thòi do thiếu hiểu biết pháp luật, đặt bút ký vào các bản hợp đồng bất lợi với CLB ở Việt Nam trước giờ không hiếm. Giới bóng đá lan truyền nhiều câu chuyện về cách thức CLB ký hợp đồng với cầu thủ, như ký lúc gà gáy sáng hay trước giờ ra sân, lãnh đạo đội bóng đưa ra hợp đồng. Chuyện có thể không hoàn toàn chính xác nhưng nó cho thấy, cầu thủ có thể gặp bất lợi khi đứng trước CLB vốn đầy đủ bộ máy pháp lý, nhân sự hiểu biết về pháp luật để cài những điều khoản có lợi. 

Mới đây, việc CLB Hà Nội đưa ra quy định mới liên quan việc sở hữu, quản lý và khai thác bản quyền hình ảnh các cầu thủ gợi ra nhiều câu hỏi. Một điều khoản trong quy định cho phép Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội-T&T là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý, sử dụng thương hiệu, hình ảnh và các dấu hiệu liên quan của cầu thủ, HLV theo hợp đồng đã ký kết hoặc thỏa thuận. Với một điều khoản chung chung như vậy, liệu cầu thủ đủ kiến thức để biết mình được hưởng quyền lợi hoặc trách nhiệm tới đâu khi ký kết với CLB?

Trong khi đó, một điều khoản khác cho phép Hà Nội ký phụ lục hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng đã ký kết với cầu thủ trước khi quyết định có hiệu lực nếu hợp đồng cũ có các quy định không phù hợp hoặc không có quy định cụ thể phù hợp với quyết định mới ban hành. Câu hỏi đặt ra là hợp đồng giữa CLB với cầu thủ dựa theo thỏa thuận đôi bên, tuân theo các quy định của pháp luật.

Ngược lại, quy định của CLB Hà Nội mang ý chí áp đặt của CLB nhiều hơn. Cho dù Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các cầu thủ để phổ biến, lấy ý kiến nhưng rõ ràng rất khó đánh đồng đội bóng với từng cá nhân bởi mỗi cầu thủ có giá trị khác nhau về chuyên môn, hình ảnh, giá trị thương hiệu…

Điều khoản khác cho phép Hà Nội được quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại cũng gây hoài nghi. Đội bóng dựa trên cơ sở nào để đưa ra quy định trên nếu không có thỏa thuận từ đầu với cầu thủ, có sự đầu tư phát triển trang cá nhân, fanpage cho cầu thủ?

Trường hợp CLB Hà Nội còn gây băn khoăn bởi thực tế chỉ sau VCK U23 châu Á 2018, thành công của tuyển U23 Việt Nam mới giúp những cầu thủ như Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh… trở nên nổi tiếng, thu hút “fan”, kiếm được tiền từ trang cá nhân. Trước đó, dù chơi bóng cho CLB Hà Nội nhưng các cầu thủ này rất ít được nhắc tới.

HAGL là trường hợp khác gây băn khoăn với thông tin về việc đội bóng ký hợp đồng dài tới 8 năm với các cầu thủ. Trong khi đó, theo quy định FIFA, hợp đồng các cầu thủ không dài quá 5 năm. Bộ luật Lao động của Việt Nam quy định, ngoài hợp đồng không xác định thời hạn, với hợp đồng có thời hạn, thời gian không quá 3 năm.

Trước câu hỏi về vấn đề của HAGL, LĐBĐVN chưa đưa ra câu trả lời thực sự thuyết phục. Đây là 2 đội bóng được chú ý ở V-League, trên thực tế, hợp đồng của các CLB khác với cầu thủ luôn trong cảnh “tranh tối tranh sáng”. Với thực tế phát triển của bóng đá Việt Nam hiện nay, có lẽ phải đặt ra vấn đề cầu thủ cần có hiệp hội hoặc người đại diện, luật sư để bảo vệ khi ký hợp đồng với các đội bóng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.