Agribank hành động vì màu xanh tương lai

Là các định chế tài chính có vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng đứng trước thách thức vừa đáp ứng đủ nguồn vốn phát triển nền kinh tế, vừa đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững theo hướng phát triển tín dụng xanh. 

Trong những năm qua, Agribank đã có nhiều chính sách tín dụng, nhiều chương trình hành động góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.

Là các định chế tài chính có vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng đứng trước thách thức vừa đáp ứng đủ nguồn vốn phát triển nền kinh tế, vừa đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững theo hướng phát triển tín dụng xanh. Trong những năm qua, Agribank đã có nhiều chính sách tín dụng, nhiều chương trình hành động góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam.

Tín dụng xanh tiếp sức nền kinh tế xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng hiện nay, kinh tế xanh là con đường phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, cũng như mỗi quốc gia. Là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững, Việt Nam đang dần xoay chuyển sang hướng tăng trưởng xanh. Từ năm 2012, Trung ương đã có chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đặt ra nhiệm vụ tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020 đó là “bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao sức tăng trưởng, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện chiến lược này là hệ thống tài chính ngân hàng.

Theo đó, Chính phủ giao NHNN chủ trì thực hiện hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh, cụ thể: Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Agribank hành động vì màu xanh tương lai ảnh 1

Đặc biệt, NHNN đã bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Đồng thời ban hành đề án Ngân hàng xanh tại Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn cho vay...

Với tất cả giải pháp trên, "Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực tài chính ngân hàng hướng đến phát triển bền vững ", bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết tại hội thảo "Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh".

Cụ thể, theo NHNN, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh (TDX), lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn là 5-8%/năm, trung - dài hạn là 9-12%/năm. Dư nợ TDX chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 45% tổng dư nợ TDX; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%. Tỷ trọng TDX cũng tăng mạnh xét trong giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2020, từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu so sánh với nhu cầu 30,6 tỷ USD tài chính xanh đến năm 2020, thì đây là nguồn vốn trong nước đáng kể cho tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hơn nữa, việc xanh hoá đáng kể dòng tín dụng sẽ góp phần quyết định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh đầu tư cho các dự án xanh, bảo vệ môi trường

Là NHTM dẫn đầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm... Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng... Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội… Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên…

Agribank hành động vì màu xanh tương lai ảnh 2

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng tại Hội nghị khởi động dự án "Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển"

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: "Hiện nay toàn ngành ngân hàng và trong đó đặc biệt là Agribank cũng đang đồng hành với nền sản xuất nông nghiệp cũng như nền kinh tế, không chỉ là đầu tư cho các dự án nông nghiệp sạch, mà chúng tôi cũng đang hướng dòng tín dụng đến những dự án xanh để bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất. “

Tiên phong cùng ngành ngân hàng thực hiện thành công các chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Agribank đã xây dựng và thực hiện các dự án bám sát chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc phát động. Cụ thể, tại hệ thống của Agribank trên toàn quốc nhiều chương trình, hoạt được triển khai như: “Nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với hút thuốc lá”, “Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp”, “Chung tay làm sạch môi trường biển” tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, tổ chức các roadshow đi xe đạp tại các thành phố lớn chuyển tải thông điệp “Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường”, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh… Tại khu vực quầy giao dịch, khách hàng được tặng túi đựng tiền làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon dùng một lần; tặng bình nước giữ nhiệt thay vì chai nhựa, ống hút dùng một lần. Các đơn vị trong hệ thống Agribank từng bước sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các hoạt động chung.

Agribank hành động vì màu xanh tương lai ảnh 3

Quày giao dịch xanh của Agribank

Agribank hành động vì màu xanh tương lai ảnh 4

Cán bộ nhân viên Agribank cùng chung tay làm sạch môi trường biển

“Xanh hóa” tín dụng, ưu tiên cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Trước khi Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch (chương trình 100.000 tỷ đồng) theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ngày 07/3/2017, Agribank trước đó đã dành quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này và không hạn chế về nguồn vốn. Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” được thực hiện với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay được rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại hân hoan đón nhận. Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tính đến 31/10/2020, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng.

Bên cạnh đó, Agribank cũng luôn không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng thông qua đơn giản hoá thủ tục; rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn; nâng hạn mức cho vay; giảm dần lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như về hạn mức vốn vay, tài sản thế chấp….

Nhờ đó, nhiều ứng dụng công nghệ cao được hình thành như: nhà kính điều khiển khí hậu (công nghệ Pháp), canh tác nhiều tầng (công nghệ Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (công nghệ Israel)… Các mô hình do Agribank đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi miền đất nước như: trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai,…), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận).

Agribank hành động vì màu xanh tương lai ảnh 5

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Hải Long (bên trái) đại diện Agribank nhận giải thưởng Ngân hàng hỗ trợ tư vấn công nghệ cao

Với những nỗ lực bền bỉ cho sự phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Agribank được nhận giải thưởng “Ngân hàng hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao” năm 2020.

An Minh

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).