ADB: Việt Nam cần mở cửa thêm cho doanh nghiệp tư nhân

ADB khuyến nghị VIệt Nam cần ó giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
ADB khuyến nghị VIệt Nam cần ó giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
TPO - Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để duy trì tăng trưởng cao, Việt Nam cần có giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 ngày 3/4, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho rằng,  cùng với việc dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Cụ thể, xét theo ngành kinh tế, tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại trong năm 2019. Dự báo luồng vốn FDI đáng kể sẽ đổ vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Cùng đó, khu vực dịch vụ trong năm 2019 sẽ được hưởng lợi nhờ thương mại bán buôn và bán lẻ cũng như ngân hàng và tài chính tiếp tục tăng trưởng tốt. Ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng trưởng sát với mục tiêu chính phủ đề ra là 3,0%/năm. Để giữ đà tăng trưởng, ông Eric Sidgwick cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh

“Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu”, ông Eric Sidgwick cho hay.

Đại diện ADB cũng cho rằng, Việt Nam cần trú trọng tăng cường hội nhập các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đây vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Cùng đó phải cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), cũng như nâng cao năng lực của các DNVVN – gồm cả kỹ năng của người lao động – là những biện pháp quan trọng để cho phép các DNVVN áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Để giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, các chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ mới, và trên hết là đổi mới sáng tạo ở trong nước. Các DNNVV cần có vốn để thuê mua trang thiết bị và công nghệ mới cho sản xuất. Nếu không cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, DNNVV sẽ tiếp tục tụt hậu trên con đường hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nói.

MỚI - NÓNG