ADB hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam nhưng lạc quan về triển vọng trung, dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2021 - 2022, trong đó hạ dự báo tăng trưởng GPD Việt Nam xuống 3,8%, thấp hơn dự báo gần nhất 5,8%.

Theo dự báo vừa được ADB công bố, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể ở mức 3,8%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Đây là lần thứ 2 ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, lần lượt điều chỉnh từ 6,7% xuống 5,8%, và mới nhất là 3,8%. Lạm phát dự báo được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

“Đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng. ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Theo ADB, đầu kéo cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Với giả định đến cuối năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và đến quý 2 năm 2022 tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vắc-xin chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm sau được điều chỉnh thành 6,5%. Dự báo tỷ lệ lạm phát cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021, do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% vào năm 2022 khi tăng trưởng tăng tốc.

Đáng chú ý, ADB cảnh báo, Việt Nam cẩn trọng với rủi ro nợ xấu trong năm 2022. "Cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của chính phủ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hỗ trợ phục hồi trong năm nay và năm sau", chuyên gia của ADB khuyến nghị.

ADB đánh giá, dòng vốn và giải ngân FDI tăng nhẹ trong tháng 7,8/2021, nhưng sẽ khó có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2021, do các nhà máy đóng cửa và tình trạng thiếu hụt lao động. Việc đóng cửa các trung tâm công nghiệp lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long gây hạn chế năng lực sản xuất, dẫn đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác. 18% công ty châu Âu kinh doanh tại Việt Nam đã làm vậy trong 2 tháng qua.

Vừa qua, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm AmCham, Acean USABC, EuroCham và KoCham đã đồng ký tên trong thư gửi Thủ tướng, nêu quan điểm "Chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam".

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.