Ác mộng với Tổng thống Mỹ Biden

0:00 / 0:00
0:00
Một nạn nhân bị thương trong vụ tấn công ngoài sân bay Kabul hôm 26/8 Ảnh: Twitter
Một nạn nhân bị thương trong vụ tấn công ngoài sân bay Kabul hôm 26/8 Ảnh: Twitter
TP - Sau vụ tấn công tự sát khiến 85 người thiệt mạng ở sân bay Kabul, trong đó có 13 lính Mỹ, quân đội Mỹ gấp rút hỗ trợ sơ tán những người Afghanistan muốn ra đi. Vụ tấn công trở thành kịch bản ác mộng đối với Tổng thống Joe Biden, khi nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đều chỉ trích ông.

Video của các nhà báo Afghanistan ghi lại cảnh nhiều thi thể nằm ngổn ngang trên nền đất sau hai vụ nổ và nhiều tiếng súng ở khu vực bên ngoài sân bay Kabul hôm 26/8. Mỹ cho biết 13 binh lính của họ thiệt mạng trong cuộc tấn công được mô tả là phức tạp.

Tướng Frank McKenzie, tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ, cho biết đang theo dõi khả năng IS tiếp tục tấn công, có thể sử dụng rốc-két hoặc đánh bom xe nhằm vào sân bay. “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để chuẩn bị đối phó”, ông McKenzie nói.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Biden cho biết ông đã chỉ đạo Lầu Năm Góc lên kế hoạch tấn công ISIS-K, chi nhánh của IS đã nhận trách nhiệm thực hiện đợt tấn công lần này. “Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ truy lùng và bắt các người trả giá”, ông Biden nói trong phát biểu đầy cảm xúc tối 26/8 tại Nhà Trắng. ISIS-K ban đầu chỉ hoạt động ở khu vực biên giới với Pakistan nhưng giờ đã lập một mặt trận thứ hai ở miền bắc Afghanistan. Trung tâm chống khủng bố ở West Point nói rằng ISIS-K không chỉ có thành viên người Afghanistan mà cả những phần tử vũ trang người Pakistan và Uzbekistan.

Chỉ trích tứ phía

Vụ tấn công khiến ông Biden triệu tập các cố vấn quân sự và ngoại giao hàng đầu đến Phòng Tình huống để cập nhật hằng ngày về tình hình sơ tán trong hỗn loạn ở Kabul. Khi đang đối mặt với chỉ trích về cách rút quân khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 2 thập kỷ, ông Biden cố gắng nhấn mạnh một thông điệp đến dư luận trong nước, rằng việc Mỹ rời khỏi Afghanistan là để cứu mạng binh lính Mỹ, sau khi khoảng 2.500 binh lính nước này đã chết ở Afghanistan kể từ năm 2001. Ông nói rằng càng ở lại lâu hơn, người Mỹ sẽ tiếp tục phải “gửi con trai, con gái, như con trai của tôi đến Iraq, nơi chúng có thể chết. Và điều đó để làm gì?”, ông Biden nói với báo chí hôm 20/8.

Phe chỉ trích ông Biden cho rằng tình hình rối loạn hiện nay là do việc rút quân vội vã, khiến những người Mỹ còn lại ở Afghanistan gặp nguy hiểm. “Đây là cơn ác mộng mà chúng tôi lo sợ, và đó là lý do vì sao trong nhiều tuần qua, các lãnh đạo quân đội, tình báo và quốc hội của cả hai đảng khẩn cầu tổng thống chống lại Taliban và đẩy họ ra khỏi phạm vi sân bay”, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói. “Khi chúng ta chờ thêm thông tin chi tiết, một điều đã rõ là chúng ta không thể tin tưởng Taliban để bảo đảm an ninh cho Mỹ”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, chỉ trích chiến lược của ông Biden.

Ông Biden đang thực hiện kế hoạch rút hết quân vào ngày 31/8 mà người tiền nhiệm Donald Trump đặt ra. Nhưng khi giới chức Lầu Năm Góc cảnh báo những phần tử Hồi giáo cực đoan đang gây nguy cơ an ninh cao ở sân bay, ông Biden từ chối thay đổi thời hạn chót, bất chấp sức ép từ các quốc gia đồng minh. Một cố vấn giấu tên của ông Biden nói rằng cái chết của các lính Mỹ ở sân bay Kabul vừa qua nhấn mạnh lý do vì sao tổng thống phải quyết định rút quân và những rủi ro khi Mỹ phải đối mặt nếu tiếp tục ở lại thêm.

Cố vấn cho biết ông Biden còn đối mặt với nhiều rủi ro khác, trong đó có vấn đề chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ. Là người vốn hoài nghi về sự hiện diện quân sự suốt 20 năm qua của Mỹ ở Afghanistan, ông Biden nói rằng Mỹ từ lâu đã đạt được mục tiêu ban đầu khi tấn công quốc gia này năm 2001: nhổ tận gốc Al Qaeda và ngăn chặn một cuộc tấn công khác vào Mỹ giống như sự kiện 11/9/2001. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ khủng bố sau khi rút khỏi Afghanistan.

Cảnh tượng hỗn loạn, tuyệt vọng và kinh hoàng ở sân bay Kabul gây chấn động thế giới trong nhiều ngày qua. Hình ảnh nhiều người đứng trong nước thải ngập đầu gối và các gia đình đẩy cả con thơ cho lính Mỹ sau hàng rào dây thép gai trở thành biểu tượng cho những ngày cuối cùng đầy hỗn loạn của Mỹ ở Afghanistan cũng như nỗi sợ hãi của người dân ở quốc gia này về tương lai của họ.

Những diễn biến mới nhất khiến ông Biden phải hoãn cuộc gặp với Thủ tướng Israel Naftali Bennett và huỷ cuộc họp với một nhóm thống đốc của hai đảng về cung cấp nơi ở và giúp người tị nạn Afghanistan định cư.

Một số đồng minh của Mỹ như Anh, Tây Ban Nha cho biết dừng hoạt động sơ tán, một phần để Mỹ có thêm thời gian hoàn tất việc rút 5.000 binh lính vào ngày 31/8. Trong 12 ngày qua, các nước phương Tây đã sơ tán gần 100.000 người, nhưng họ thừa nhận hàng ngàn người khác sẽ bị bỏ lại khi nhóm lính Mỹ cuối cùng rút về nước vào cuối tháng.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.