Tính từ đầu hè đến khi ra mắt Leonardo Bonucci hôm qua 20/7, Milan đã chi cả thảy 249 triệu đôla để tậu về 10 tân binh. Họ trở thành đội bóng bạo chi nhất trên sàn chuyển nhượng hè này và cho thấy một hình ảnh khác hẳn với "AC Freelan" - cách gọi mỉa mai về việc Milan đi săn hàng miễn phí hoặc giá rẻ trong ít năm cuối triều đại Silvio Berlusconi.
Và cơn cuồng mua sắm ấy nhiều khả năng chưa dừng lại. Thất bại trước Chelsea trong cuộc đua giành Alvaro Morata đồng nghĩa với việc Milan sẽ tiếp tục vung tiền để tậu về một trung phong đẳng cấp nữa trước khi mùa giải mới bắt đầu. Mục tiêu số một của họ bây giờ là Andrea Belotti, ngôi sao người Italy có mức phí giải phóng hợp đồng với Torino là 115,6 triệu đôla.
Những đổi thay mạnh mẽ ấy ở San Siro đến từ màn chuyển giao quyền lực trên thượng tầng. Nhà Berlusconi ra đi, trao lại quyền sở hữu CLB cho tập đoàn đầu tư đến từ Trung Quốc do Li Yonghong đứng đầu, để rồi nguồn lực từ giới chủ mới đang giúp Milan thổi bùng trở lại ước vọng hồi sinh. Nhưng ít ai biết đằng sau sự hứng khởi và tươi mới như hiện tại là những nỗ lực lớn của Li Yonghong và các cộng sự trong ban lãnh đạo mới để vượt qua sự hoài nghi từ công chúng yêu bóng đá Italy nói chung cũng như các tifosi Milan nói riêng.
Mua lại AC Milan là một chuyện, nhưng thay thế một Silvio Berlusconi lại là vấn đề hoàn toàn khác. Vì thế, người Italy không cho phép họ dễ dãi với những ai muốn sở hữu đội bóng áo đỏ đen huyền thoại, và thế là những cái nhíu mày lập tức xuất hiện khi thông tin xuất hiện trên các mặt báo về ông chủ mới. "Ở Trung Quốc, hầu như không ai biết đến Li Yonghong, mà ngược lại Suning Group mới là một quyền lực thực sự", HLV Marcelo Lippi nói.
Lippi đưa ra một nhận định giàu sức nặng, vì ông là đương kim HLV trưởng tuyển Trung Quốc và từng có thâm niên gần bốn năm làm việc ở cấp CLB tại quốc gia Đông Á này. Tiết lộ của Lippi vì thế vô tình tạo ra sức ép với Li Yonghong, khiến ông phải cùng Milan vượt qua cái bóng của Sunning Group - tập đoàn Trung Quốc hùng mạnh đang sở hữu Inter Milan.
Một cuộc điều tra rầm rộ được báo chí Italy thực hiện. Nhưng thông tin thu thập được thì ít ỏi. Theo nhật báo tài chính Il Sole 24 Ore, Li sinh năm 1969, có gia sản vào khoảng 578 triệu đôla, đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Ngần đó là quá mơ hồ để so sánh với tên tuổi của Suning Group. Thậm chí tờ Forbes còn cho biết Li Yonghong chẳng có tên trong danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc, trong khi số tiền bỏ ra để sở hữu Milan lên đến 855 triệu đôla.
Li Yonghong (phải) khởi đầu ở Milan với sự hồ nghi bao trùm, nhưng đang bước đầu tạo dựng niềm tin bằng những bước đi cụ thể cho thấy tham vọng trên sàn chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, quá trình hoàn tất vụ chuyển giao Milan còn vấp phải rất nhiều rào cản từ chủ quan cho đến khách quan. Theo Wall Street Journal, Li Yonghong được cho là vay mượn nhiều nơi để gom đủ tiền, trong đó có khoảng 292 triệu đôla từ quỹ đầu tư Elliot của Mỹ. Từ Trung Quốc, báo chí cho rằng chính phủ nước này sẽ điều tra số tiền mà Li đầu tư xem có hợp pháp hay không??
Cứ thế, ngày qua ngày, những hy vọng nhỏ nhất dần biến thành hoài nghi tột độ. Ngay cả Silvio Berlusconi cũng phát nản khi biết tin Li muốn ông “bớt chút đỉnh”. Đáp lại, Berlusconi tuyên bố: "Hoặc Li chồng đủ tiền mua Milan, hoặc tôi sẽ giữ lại đội bóng". Huyền thoại Paolo Maldini thậm chí còn thẳng thắn hơn khi từ chối lời mời tái xuất cùng Milan trong vai trò Giám đốc thể thao. Hậu vệ trái huyền thoại không muốn đánh cược tên tuổi của ông với một dự án đầy mơ hồ.
Đến giờ, mối tình đầy trắc trở ấy đã bước đầu thuận buồm xuôi gió. Nhưng đám mây hoài nghi vẫn chưa thể tan ở San Siro, khi tất cả mới chỉ là sự bắt đầu. Mua được rồi, nhưng sẽ phải làm sao để vực dậy đế chế đã điêu tàn trong vài năm qua như Milan? Li Yonghong đương nhiên cần những bộ óc am hiểu bóng đá và thị trường Italy. Và tới đây, Li một lần nữa nhận được sự ngờ vực, khi ông chọn Marco Fasssone và Massimo Mirabelli làm cánh tay phải trong việc lèo lái đội bóng.
Trước khi thay thế CEO huyền thoại Adriano Galliani, Fassone là người của…Inter và từng bị sa thải vào cuối năm 2015 sau khi bất đồng với cấp quản lý cao hơn. Tifosi Milan không chỉ hoài nghi vì Fassone là người cũ của Inter, mà còn vì thời gian ông này giữ ghế CEO, Inter lâm vào cảnh bết bát về tài chính dù sai lầm không hẳn chỉ thuộc về ông. Với bản lý lịch ấy, Fassone bị cho là chưa đủ tầm để thay thế tượng đài Galliani, nhà quản lý tài năng bậc nhất Serie A và có tầm ảnh hưởng bao trùm ở Milan.
Sự quyết đoán của Fassone trên sàn chuyển nhượng giúp Milan thực hiện được nhiều vụ mua sắm tốt trong mắt giới chuyên môn.
Mirabelli cũng là một người cũ của… kình địch Inter, đứng đầu bộ phận tuyển trạch, và chẳng để lại ấn tượng tích cực nào. Nhưng khi mùa hè còn chưa đến, sự chán nản về mùa giải không Champions League nữa còn chưa nguôi ngoai, bộ đôi quản lý mới của Milan bất ngờ kéo màn đêm u tối khỏi San Siro.
Nhanh, quyết đoán và bạo chi, đấy là vài điều khắc họa đầu tiên về phong cách làm việc của Fassone - Mirabelli. Nhưng vẫn chưa đủ, bởi bộ đôi này còn rất "quái". Nhờ họ, Milan đập tan âm mưu đào tẩu mà siêu cò Mino Raiola vạch ra cho thủ môn tài ba Gianluigi Donnarumma. Khi thủ môn này từ chối gia hạn, thay vì những phản ứng giận dữ kiểu như doạ cho anh ngồi chơi xơi nước cả năm, Fassone vẫn xem như chẳng hề có biến cố nào xảy ra. Nhưng cùng lúc, ông và Mirabelli âm thầm tác động lên gia đình (bố mẹ) và cá nhân Donnarumma, theo kiểu “vừa đấm và xoa”. Vốn nặng tình cảm gia đình, thủ môn 18 tuổi này đã chọn ở lại thay vì ra đi như tư vấn từ Raiola.
Vụ tuyển mộ trong mơ với Leonardo Bonucci cũng là một ví dụ khác cho thấy tài năng của cặp Fassone - Mirabelli. Bằng chín triệu đôla tiền lương, cộng thêm tấm băng thủ quân đầy danh giá, hai nhà quản lý của Milan đã thuyết phục được trung vệ người Italy tốt nhất hiện tại về San Siro, thay vì ra nước ngoài sau khi bị Juventus đào thải vì những lý do hậu trường.
Sự quyết đoán Milan trên sàn chuyển nhượng từ đầu hè khiến cả Serie A phải ngả mũ, và gợi nhớ lại những giai thoại cách đây 30 năm ở chính CLB này. Đội bóng áo sọc đỏ đen, khi đó mới thuộc về Berlusconi được hai năm, đã vượt mặt Juventus để giành được Ruud Gullit, bằng những động thái quyết đoán, mạnh mẽ trên bàn đàm phán (trả lương cao gấp ba mức ở CLB cũ PSV). Milan khi đó cũng mạnh dạn trao đội bóng cho cho một HLV còn vô danh - Arrigo Sacchi, chấp nhận chơi thứ bóng đá tấn công vốn xa lạ với Serie A.
Với Li Yonghong và bộ sậu của ông lúc này, Milan đang dẫn đầu châu Âu về mua sắm. Không những thế, nhà đầu tư này còn vượt những tên tuổi Sheik Mansour (Manchester City), Roman Abramovich (Chelsea), Zhang Jin Dong (Inter) về số tiền bỏ ra trong mùa giải đầu tiên. "Chúng tôi đang đi trên con đường của riêng mình", Mirabelli chỉ nói ngắn gọn như vậy về những gì đã qua trong hơn gần ba tháng qua.
Mirabeelli cùng Li Yonghong, Fassone đều bước ra trong bóng tối của sự hoài nghi, và đổi lại là ánh binh minh đang ló rạng ở San Siro. Nếu scudetto trên sân cỏ hẳn còn xa xôi, thì ít nhất một Scudetto về niềm tin là thứ đang hiện hữu với Milan. Khi bước vào tuần lễ này, AC Milan thông báo số vé cả mùa được bán ra của CLB đã tăng gấp 10 lần so ngày đầu mở bán, vì với những Milantisa giấc mơ của ngày mai sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay.