Tạo thương hiệu riêng từ đồ cũ
Hải Yên yêu thích đồ thủ công (handmade) và tập làm từ hồi sinh viên. Cô đã biến những chiếc quần jeans cũ của mình thành những chiếc túi xách, rồi khoe lên facebook và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.
Tốt nghiệp đại học, Hải Yến và bạn thân về quê mở tiệm "Mèo tôm handmade" để thỏa niềm đam mê tái chế đồ jeans. Để có nguyên liệu làm, cô vận động từ bạn bè và đến các cửa hàng bán đồ cũ để mua lại.
Trong quá trình sáng tạo, cô tận dụng tối đa các phần túi, mác, đai,… của đồ jeans để làm thành chi tiết cho balo và túi xách. Những vụn vải không sử dụng được, cô nhồi chặt vào những chai nhựa làm gạch sinh học để sáng tạo bàn, ghế, đồ chơi cho trẻ em.
Bằng nỗ lực, sự sáng tạo không ngừng, Hải Yến đã đưa thương hiệu "Mèo tôm handmade" đến gần hơn với khách hàng. Các sản phẩm đa dạng về chủng loại như balo, túi xách, túi đựng điện thoại, mũ, ví,… và kích cỡ, kiểu dáng.
"Mỗi sản phẩm được làm từ những chất liệu tái chế khác nhau nên có những họa tiết trang trí rất khác biệt, khó mà làm sản phẩm thứ hai giống y hệt", Hải Yến chia sẻ.
Doanh thu từ việc kinh doanh đã giúp cô tự trang trải cuộc sống và hỗ trợ việc làm thường xuyên cho ít nhất 4 lao động với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Lan tỏa lối sống xanh
Ngoài việc phát triển kinh doanh, Hải Yến làm video chia sẻ, hướng dẫn cách làm đồ handmade tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Cô mong muốn nhiều người cùng làm, qua đó giảm thiểu chất thải thời trang ra môi trường.
Hải Yến hướng dẫn các bạn trẻ làm đồ tái chế từ đồ jean cũ. Ảnh: Lan Anh
Mới đây, cô tổ chức hoạt động tái chế "Biến hình quần jeans cũ" tại Bắc Ninh, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Tại buổi trải nghiệm, các bạn trẻ được hướng dẫn để tự tay biến những chiếc quần jeans cũ của mình thành chiếc túi đeo chéo xinh xắn.
Hồ Hữu Thi (21 tuổi, Hà Nội), người tham gia trải nghiệm, chia sẻ: "Bản thân mình cũng là người rất thích sự sáng tạo, vừa có thêm một món đồ mới lại vừa góp phần bảo vệ môi trường nữa. Sau buổi trải nghiệm này chắc chắn mình sẽ ko để lãng phí những món đồ hữu ích như vậy".
Hải Yến mong muốn truyền cảm hứng giúp mọi người giảm thiếu một phần nào đó việc sử dụng đồ mới khi có thể tái chế những món đồ cũ ở nhà của mình thay vì biến chúng trở thành rác thải.
"Thời gian tới, tôi sẽ mở thêm các hoạt động như vậy và kết nối các bạn trẻ ở Hà Nội và TP HCM, thành lập các điểm thu gom đồ jean cũ nhằm duy trì nguồn nguyên liệu đồng thời lan tỏa rộng rãi ý tưởng tái chế góp phần hạn chế rác thải ra môi trường", Hải Yến chia sẻ.