> “Đông dược” hay độc dược ?
> Phát hiện thuốc Đông y trộn... cát, xi măng
“Chết” trên sân nhà!
Tại hội thảo “Phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn WHO” do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hôm 28/6 tại huyện Quản Bạ, nhiều đại biểu cho biết dược liệu nhập lậu, kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, trong khi nguồn dược liệu ở Việt Nam chưa được tận dụng.
Thống kê của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hiện cả nước có hơn 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Tuy nhiên, theo TS Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, dược liệu nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam đang chiếm hơn 80%, song chất lượng lại tù mù.
Qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu dược liệu của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương về chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc thậm chí còn bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại.
TS Phương cho rằng, mỗi năm Việt Nam khai thác và sử dụng khoảng 50.000 - 70.000 tấn dược liệu. Nhiều dược liệu quý của Việt Nam đáp ứng nhu cầu chữa bệnh nhưng còn manh mún, chưa được quy hoạch, đầu tư theo vùng.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, dược liệu rác, trôi nổi, kém chất lượng đến nay vẫn chưa kiểm soát được. “Nhu cầu dược liệu sạch cho TPHCM rất lớn. Tuy nhiên, lượng lớn dược liệu vẫn phải mua ở các phố đông y mà không rõ nguồn gốc, chất lượng”- TS Lan nói.
Mỗi năm Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM sử dụng 100 tấn dược liệu nhưng theo bác sĩ Lê Hoàng Sơn- Giám đốc bệnh viện thì 70% nguồn dược liệu bệnh viện phải sử dụng từ Trung Quốc trong khi nước mình lại có hàng nghìn loại dược liệu quý hiếm.
Bác sĩ Lê Hùng- Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM rất bức xúc trước tình trạng chất lượng của dược liệu. “Rất nhiều dược liệu bị thả nổi chất lượng, giới lương y đang đau đầu không biết đâu là dược liệu sạch và đâu là rác. Nhiều trường hợp suy thận do uống thuốc đông y có độc chất”- bác sĩ Hùng kể.
Chặn dược liệu bẩn bằng cách nào?
Một bé trai 4 tuổi ở Phú Quốc vừa nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM trong tình trạng ngộ độc thuốc đông y. Theo bác sĩ Phạm Thị Minh Rạng, khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, qua điều tra bệnh sử được biết, mẹ của bé trai này cho bé uống “thuốc cam Hàng Bạc” cùng một số thuốc bắc và thuốc nam khác trong hai năm. “Kết quả nồng độ chì trong máu bệnh nhi cao, bé bị thiếu máu và có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ”- bác sĩ Rạng cho biết.
Trong khi đó, bệnh nhân N.V.H, 48 tuổi ở Đồng Nai phải vào viện cấp cứu trong tình trạng mất nước, rối loạn nhịp tim và suy hô hấp. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, ông bị ngộ độc cấp tính do dùng thuốc đông dược không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Lê Hùng cho biết ngộ độc thuốc đông y do uống thuốc trôi nổi ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Minh Tiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, nhiều năm nay ông vẫn trăn trở để làm sao có được một vùng dược liệu lớn nhất cả nước để cung cấp dược liệu sạch cho Việt Nam. “Sau khi khảo sát điều kiện đất đai và khí hậu của tỉnh, thông qua các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc, tỉnh đã chỉ đạo Cty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh lập đề án đầu tư trồng dược liệu tại 6 huyện nghèo, giúp dân xóa đói giảm nghèo và tạo vùng dược liệu đủ lớn”- ông Tiến nói.
TS Phong Lan đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định chi tiết về việc lưu thông dược liệu, trong đó bắt buộc ghi trên bao bì về nguồn gốc, ngày đóng gói, hạn sử dụng, tên cơ sở đóng gói, nhằm chặn được dược liệu rác.