Giảm tiêu thụ natri
Những người bị cao huyết áp không nên ăn mặn như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, thức ăn nhanh. Hàm lượng natri trong bữa ăn hàng ngày không được vượt quá 2.300mg, tốt nhất nên dưới 1500mg. Khi mua thực phẩm hay rau quả đóng hộp, bạn cũng nên để ý hàm lượng natri ghi trên vỏ hộp vì người ta thường dùng natri để duy trì độ tươi của rau quả.
Bổ sung đủ 4.700mg kali mỗi ngày
Kali có thể giúp giảm tác động của natri. Bạn có thể lựa chọn ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng kali cao như trái cây và rau quả hoặc sử dụng vitamin và khoáng chất bổ sung. Một số loại thực phẩm giàu kali là: chuối, nước cam, sữa chua ít chất béo…
Bổ sung nhiều vitamin D
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người có nồng độ vitamin D cao sẽ ít căng thẳng hơn, huyết áp không dễ tăng cao. Bạn nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 20-25 phút mỗi ngày. Ăn các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ. Ăn các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua ít béo…
Hạn chế cà phê và rượu
Caffeine là chất kích thích có thể làm tăng huyết áp ở những người hiếm khi uống cà phê và đặc biệt ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp. Caffeine có trong cà phê sẽ làm tăng độ cứng của động mạch, làm cho tim phải bơm mạnh hơn dẫn đến tăng huyết áp, đôi khi là đột ngột, rất nguy hiểm. Còn rượu, nếu bạn chỉ uống một lượng nhỏ vừa đủ thì rượu có thể làm giảm huyết áp, tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nó sẽ có thể làm tăng huyết áp và làm giảm hiệu quả của nhiều loại thuốc điều trị huyết áp.
Nói không với thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe tổng thể mà còn là một trong những tác nhân làm tăng huyết áp, vì thế hãy nói không với thuốc lá.
Những loại hoa quả nên ăn và không nên ăn
Bạn nên ăn những loại quả như: Chuối, táo vì những loại quả này chứa nhiều kali, chất này kết hợp với natri dư thừa trong cơ thể bài tiết ra ngoài nên có tác dụng duy trì huyết áp, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu; Dưa hấu vì chất citrulline - một hợp chất được tìm thấy trong dưa hấu có tác dụng giảm cholesterol và mảng bám động mạch, thanh nhiệt;; Cam chứa nhiều chất xơ, chất pectin trong cam cũng có tác dụng làm giảm cơn đói và kiểm soát tỷ lệ cholesterol trong máu.
Bạn không nên ăn dứa vì trong dứa có chất serotonin là một dược chất có tác dụng làm co thắt huyết quản rất mạnh, có khả năng gây hưng phấn thần kinh cao và có thể làm tăng huyết áp ở người bình thường. Vậy nên, những người bị bệnh cao huyết áp khi ăn nhiều dứa sẽ xuất hiện hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng... dễ có nguy cơ tăng huyết áp kịch phát.
Tập thể dục hàng ngày
Bạn hãy dành thời gian 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập thể dục, chạy, đạp xe hoặc bơi, 3-5 lần mỗi tuần. Khi có thể, hãy đi lên đi xuống cầu thang hoặc dùng máy chạy bộ và tìm cách kết hợp việc tập thể dục vào các thói quen hàng ngày của mình.
Đi bộ nhiều, hít thở sâu
Đi bộ là hình thức tập luyện rất tốt cho người bị cao huyết áp, giúp giảm áp lực trong máu và giúp tim sử dụng được nhiều oxy hơn gấp 4-5 lần so với bình thường. Các chuyên gia khuyên bạn nên đi bộ đều đặn mỗi ngày khoảng15-30 phút sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và những biến chứng do huyết áp cao gây ra.
Hít thở sâu tuy là một thao tác rất đơn giản nhưng lại có tác dụng to lớn là bình ổn huyết áp, giảm stress. Để vận dụng hít thở sâu một cách tối đa, bạn có thể dành khoảng 10 phút vào mỗi tối hoặc sáng để hít thở, nên nhớ hít thở càng sâu càng tốt và nếu có điều kiện bạn có thể tham gia thêm lớp học yoga.
Tránh lo âu, căng thẳng
Lo âu nhiều sẽ dẫn đến huyết áp cao. Căng thẳng trong công việc và cuộc sống cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất của bạn, chính vì vậy bạn cần phải tìm cách để dừng những suy nghĩ căng thẳng sau khi trở về nhà và sẵn sàng tìm cho mình một không gian thích hợp để thư giãn. Bạn có thể dành ra 15-30 phút mỗi ngày để đóng cửa, tắt điện thoại và dừng mọi việc. Thay vào đó, chọn cho mình một cuốn sách hay để đọc hoặc nghe nhạc trước khi đi ngủ cũng rất hợp lý.