Rừng quốc gia Tongass, Alaska, Mỹ, với diện tích 69.000 km2 là khu rừng lớn nhất nước Mỹ. Đây cũng là rừng mưa ôn đới ven biển lớn nhất thế giới còn nguyên vẹn đến ngày nay. Nhiều cây trong rừng ước tính hơn 800 tuổi, theo Tree Hugger. National Geographic mô tả Tongass như một hệ sinh thái đặc biệt phong phú, chứa sinh khối trên mỗi đơn vị diện tích nhiều hơn so với bất kỳ khu rừng nào khác bao gồm cả rừng nhiệt đới. Ảnh: Zarxos.
Waipoua là khu rừng nổi tiếng trên Đảo Bắc của New Zealand. Những người định cư châu Âu đặt chân tới đây lần đầu tiên trong thế kỷ 19. Khu rừng sở sở hữu rất nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là cây lá kim kauri với tuổi thọ đáng kinh ngạc. Cây kauri lâu đời nhất được gọi là Tane Mahuta, nghĩa là "Chú tể rừng xanh", cao gần 50m và ước tính 2.300 năm tuổi. Ảnh: Roughguides.
Rừng mưa nhiệt đới Daintree, Australia, bao phủ diện tích 1.200 km2, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài chim và động vật hoang dã khác, bao gồm 30% loài bò sát, ếch, thú có túi ở Australia, 65% loài bướm và dơi, 12.000 loài côn trùng. Khu rừng hình thành cách đây khoảng 180 triệu năm, nhiều hơn so với rừng mưa nhiệt đới Amazon hàng chục triệu năm. Ảnh: Tree Hugger.
Yakushima là khu rừng mưa ôn đới nguyên sinh trên đảo Yakushima, Nhật Bản. UNESCO công nhận khu vực này là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1993. Thực vật ở đây khá đa dạng, phong phú, từ thảm thực vật ven biển với những cây cận nhiệt đới cho đến rừng mưa ôn đới trên núi và đồng cỏ. Nổi bật nhất trong khu rừng là những cây Yakusugi, hay cây tuyết tùng Nhật Bản, với độ tuổi khoảng 7.000 năm. Ảnh: Tree Hugger.
Rừng thông cổ Bristlecone, California, Mỹ, nằm trên vùng cao nguyên bên cạnh rừng quốc gia Sequoia ở độ cao 3.000 m. Đây là nơi sinh sống của cây thông Methuselah lâu đời nhất thế giới với tuổi thọ khoảng 4.841 năm. Nó xuất hiện từ khi kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập được xây dựng. Ảnh: Rick Goldwasser.
Bialowiza là khu rừng già lâu đời nhất châu Âu nằm ở biên giới của Ba Lan và Belarus. Khu rừng có diện tích khoảng 1.500 km2. Đây là nơi sinh sống của nhiều cây với độ tuổi hàng nghìn năm. Theo ghi nhận của UNESCO, Bialowiza có 59 loài thú, 250 loài chim, 13 loài lưỡng cư, 7 loài bò sát và hơn 12.000 loài động vật không xương sống. Ảnh: Prezi.
Tarkine là rừng mưa ôn đới hoang dã lớn nhất Australia và lớn thứ hai thế giới. Nhiều người so sánh nó với khung cảnh Trái Đất 300 triệu năm trước đây với những dãy núi, hệ thống sông, hang động, vùng đất hoang mọc đầy thạch nam, bãi biển cát trắng. Cây thông Huon trong khu rừng có độ tuổi khoảng 3.000 năm là cây lâu đời thứ hai thế giới. Ảnh: Houshmand Rabbani.
Khu rừng Kakamega tại Kenya có diện tích khoảng 238 km2 là phần còn sót lại của một trong những khu rừng lâu đời nhất thế giới. Một nửa diện tích rừng bị tàn phá trong 40 năm qua do sự phát triển của con người, chiến tranh, khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dù vậy, khu rừng vẫn có mức độ đa dạng sinh học khá cao. Đây là nơi sinh sống của 300 loài chim, nhiều cá thể khỉ và những cây sung có độ tuổi khoảng 700 năm. Ảnh: Wikipedia.