Tổng rà soát vũ trường, karaoke…
Ngày 2/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ vụ cháy quán karaoke ở số 68, phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, nguyên nhân là do quán sửa chữa, hàn xì. Thực tế quán karaoke này chưa có giấy phép kinh doanh nhưng đã tổ chức khai thác.
Trong buổi họp báo sáng cùng ngày, trung tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, từ đầu năm đến nay, ở Hà Nội xảy ra 6 vụ cháy quán karaoke, trong đó vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, khiến 13 người tử vong và thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân dẫn đến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn do thiết kế các quán karaoke thường có biển quảng cáo lớn bên ngoài bịt kín lối thông gió.
Trung tá Việt khuyến cáo, với các cơ sở kinh doanh karaoke, phải tổ chức cho nhân viên thực tập kỹ năng PCCC, quản lý nguồn lửa, nhiệt tại cơ sở. Tổ chức phương tiện chữa cháy, cứu hộ tại chỗ để đưa người gặp nạn ra khỏi hiện trường. Người dân phải tìm hiểu kỹ năng thoát nạn khi tham gia tại các điểm vui chơi giải trí, không mang chất cháy, chất nổ đến nơi này. Đặc biệt, phải quan sát trước khi tham gia vui chơi tại các điểm này để thoát nạn khi xảy ra cháy.
“Ngay sau vụ cháy hôm qua, Cục đã có công điện chỉ đạo tổng kiểm tra rà soát các điểm vui chơi giải trí tập trung đông người như vũ trường, quán karaoke”, Phó Cục trưởng Bùi Quang Việt nói.
80% quán karaoke, bar, vũ trường ở Hà Nội không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (Ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Nguy cơ hỏa hoạn thường trực
Theo ghi nhận của Tiền Phong, hàng loạt các tụ điểm vui chơi trên các tuyến phố Nguyễn Khang, Trần Thái Tông, Nguyễn Ngọc Vũ, Trần Duy Hưng, Vũ Phạm Hàm… thuộc địa phận quận Cầu Giấy có nhiều quán karaoke liền kề. Tất cả các cơ sở này đều có điểm chung trang trí, thiết kế biển quảng cáo phủ kín mặt tiền ngôi nhà bằng các vật liệu như nhựa, thạch cao… dễ cháy nổ và lắp hệ thống đèn led chằng chịt.
Thiếu tá Trương Mạnh Tuấn, cán bộ Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn chữa cháy Phòng Cảnh sát PCCC số 3 cho biết, phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí này được chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng sang dịch vụ karaoke. Đối với nhà ở, điều kiện chỉ có một thang bộ không vi phạm quy định về phòng cháy nhưng khi chuyển đổi sang kinh doanh quán hát phải có ít nhất hai lối thoát nạn và phải là lối thoát nạn an toàn. Vì thế, nhiều cơ sở vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, thậm chí có chủ cơ sở còn tự ý bịt lối thông khẩn cấp lên sân thượng để cơi nới thêm phòng sử dụng, kinh doanh. Trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn, hiểm họa về người là rất cao.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trên địa bàn Thủ đô có hơn 1.000 quán karaoke, bar, vũ trường. Trong đó, có tổng số 988 cơ sở đang hoạt động, 787 cơ sở không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy (chiếm gần 80%). Nhiều chủ đầu tư chưa nắm được các quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng nên khi xây mới hoặc cải tạo công trình, thay đổi bố trí mặt bằng, công năng sử dụng, hệ thống PCCC... không thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ sở cố tình không chấp hành, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trên địa bàn Thủ đô có hơn 1.000 quán karaoke, bar, vũ trường. Trong đó, có tổng số 988 cơ sở đang hoạt động, 787 cơ sở không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy (chiếm gần 80%).