Dự án nông nghiệp, bất động sản “chết dở”
Theo Bộ KH&ĐT, sau khi rà soát đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thấy có tới 72 DA với tổng đầu tư 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả. Dẫn đầu danh sách là các dự án nghìn tỷ đồng như Nhà máy bột giấy Phương Nam (vốn đầu tư 1.487 tỷ đồng, sau đó tăng 2,2 lần) và đã dừng hoạt động. DA bột giấy Thanh Hóa gần 1.700 tỷ đồng đang đắp chiếu. DA phóng vệ tinh Vinasat 2 của VNPT, tổng vốn 5.462 tỷ đồng, từ năm 2012 đến 2016 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng…
Theo thống kê này, lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có ít DA (chỉ chiếm 28% trong tổng số 72 DA) nhưng tổng đầu tư lên tới 29.000 tỷ đồng (chiếm 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt). Trong đó, một số công ty có nhiều DA đắp chiếu gồm: DA tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower ở 21 Lê Văn Lương, Hà Nội với vốn đầu tư 804 tỷ đồng; DA khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng làm việc tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội với vốn đầu tư gần 695 tỷ đồng. Hai dự án này của Tổng Công ty Thành An. Tổng Cty Thái Sơn với 2 DA khu biệt thự, nghỉ dưỡng cao cấp Sunshine Hill I và II với vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng…
Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng các DA đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả. Đó là: Thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. DA đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài… Bên cạnh, công tác lập DA còn nhiều yếu kém. Năng lực và trách nhiệm quản lý DA của các chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém ở hầu hết các khâu gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư…
Thống kê cũng cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp đứng thứ 2 về số DA nguy cơ thua lỗ, với 33 DA tạm dừng hoặc sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài. Các DA này chủ yếu thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng Công ty Cà phê và UBND TP Hải Phòng. Nguyên nhân thực trạng do lĩnh vực nông nghiệp có suất đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, tỷ suất lợi nhuận thấp; chịu nhiều rủi ro về thiên tai, rủi ro về môi trường hoặc bệnh tật.
“Các dự án ra đời trong giai đoạn ngành nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt. Trong khi về thị trường tiêu thụ chưa kịp mở rộng, sản lượng bán ra thấp, chi phí cao, giá thành cao, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, dẫn đến lỗ phát sinh kéo dài”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết. Tuy nhiên, những con số trên vẫn chưa phản ánh hết thực trạng lãng phí đầu tư công, bởi mới có 250 DN (thuộc 12 bộ ngành, 37 địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, 9 tổng công ty nhà nước) gửi báo cáo. Trong khi đó, có tới 800 DN phải báo cáo.
Theo Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông, số DA được thống kê tiềm ẩn rủi ro thua lỗ ở các mức độ khác nhau. “Đây là cảnh báo để cơ quan chủ quản nhìn thẳng vào sự thật sức khỏe các DN để có giải pháp sớm, nhằm giảm rủi ro thiệt hại”, ông Đông nói.
Do buông lỏng quản lý?
Sau khi rà soát, Bộ KH&ĐT đề xuất, nhóm DA đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng bất động sản cần thực hiện việc thoái vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp theo nguyên tắc thị trường và bảo đảm không thất thoát vốn đầu tư. Với các DA thuộc lĩnh vực hạ tầng (cảng biển, khu công nghiệp…), Chính phủ sớm nghiên cứu tìm kiếm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để hình thành DN thực hiện đầu tư hạ tầng. Trong trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm, cơ quan quản lý quyết toán DA và chuyển giao cho các đơn vị đủ năng lực thực hiện.
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển, tất cả chuyên gia kinh tế đều cảnh báo cẩn thận với hiệu quả hoạt động của DNNN. Nhưng có bộ ngành vẫn chạy theo thành tích, để xảy ra tình trạng này. “Tôi đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hiệu quả khi đầu tư vốn nhà nước cách đây cả chục năm. Bây giờ, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đừng úp mở, phải làm rõ tình hình từng DA mới giải quyết được. Có bệnh mà cứ giấu bệnh, đến lúc nó phát ra, thành ung nhọt sẽ không chữa được nữa”, ông Hồ nói.
Theo ông Hồ, giải pháp quan trọng nhất đẩy mạnh cải cách DNNN. Bản thân chủ dự án phải tự tìm phương án giải quyết, nhà nước không thể dùng ngân sách để xử lý. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng khẳng định thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, tình hình tài chính của DN rất xấu. Các bộ ngành phải có phương án cụ thể cho từng DA và dựa trên nguyên tắc không dùng ngân sách nhà nước.
“Đáng ra, cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giám sát, quản lý phải phát hiện các DA nguy cơ thua lỗ sớm hơn. Bây giờ phải quy lại trách nhiệm của cơ quan chức năng phải chăng buông lỏng quản lý, thiếu trung thực của DN”, TS Ngô Trí Long nói.
Ông Long cũng đề xuất với các DA tạm dừng, dở dang cần xử lý theo nguyên tắc thị trường, nếu DA không hiệu quả thì cho phá sản. Sau đó, xử lý trách nhiệm của người lập DA, người ký quyết định đầu tư và cơ quan giám sát. “Phải điều tra trách nhiệm cơ quan giám sát xem có dấu hiệu tiếp tay cho DA để xảy ra nguy cơ thua lỗ. Các cá nhân có trách nhiệm ở DA nguy cơ thua lỗ phải bỏ tiền đền bù, thậm chí khởi tố hình sự mới đủ sức răn đe”, ông Long nói.
“Tôi đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hiệu quả khi đầu tư vốn nhà nước cách đây cả chục năm. Bây giờ, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đừng úp mở, phải làm rõ tình hình từng DA mới giải quyết được. Có bệnh mà cứ giấu bệnh, đến lúc nó phát ra, thành ung nhọt sẽ không chữa được nữa”.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển