72 dự án không hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai?

TP - Chiều 2/10, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tại phiên làm việc, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm trong việc phân bổ vốn chậm, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên giải trình về triển khai Luật Đầu tư công.

Chuyển nguồn dự án không triển khai

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng giải ngân vốn chậm do chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi kế hoạch vốn.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, một số cơ quan, đơn vị chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, báo cáo nêu thực hiện luật còn nhiều bất cập nhưng không nêu hướng xử lý, giải quyết khó khăn vướng mắc thế nào? Hiện đang còn 80 ngàn tỷ đồng của các công trình dự án quan trọng, dự án trọng điểm quốc gia chưa triển khai giải ngân được, vậy vướng mắc do đâu? Tại sao không triển khai được và bao giờ triển khai ?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 80 nghìn tỷ đồng, có 10 nghìn tỷ cho dự án chống ngập TPHCM. Còn 70 nghìn tỷ đồng, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện 15 nghìn tỷ cho 4 dự án của ngành đường sắt, 8 nghìn tỷ cho các dự án bị đình, hoãn, còn lại đưa vào các dự án cao tốc Bắc-Nam. Hiện Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ và sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Đề cập đến việc bố trí đủ vốn cho dự án Sân bay Long Thành, Bộ trưởng Dũng cho rằng, khi dự kiến xây dựng sân bay Long Thành thì chưa xác định được nguồn là bao nhiêu, chỉ dự kiến đưa ra con số 5 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Đồng Nai đã lập báo cáo khả thi và xác định 23 ngàn tỷ đồng, nên chưa có nguồn bố trí. Trước mắt, theo kế hoạch đến hết năm 2020 dự án này cần 11 nghìn tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, như vậy còn thiếu 6 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến được xem xét chuyển nguồn từ các dự án không triển khai để dồn cho dự án Long Thành.

Chưa rõ trách nhiệm?

Đề cập đến việc quản lý nhà nước trong đầu tư công, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi: Cơ quan nào tổng hợp chịu trách nhiệm theo dõi chính về nguồn vốn đầu tư nhà nước? Theo ông Hạ, luật này phải xác định rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào. 

“Vì không rõ trách nhiệm nên việc kiểm tra giám sát buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm, phân bổ xong là xong, còn đồng vốn đi đến đâu, hiệu quả thế nào lại không rõ ràng, không đi đến cùng. Đây cũng là nguyên nhân của 72 dự án (gần 43 nghìn tỷ) đầu tư không hiệu quả”, ông Hạ cho hay.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, người được Bộ trưởng Dũng ủy quyền, khẳng định chủ trương “chỉ đầu tư vào các dự án không hối tiếc”, nhưng không giải thích thế nào là dự án không hối tiếc”. Tuy nhiên, ông Đông kể khi đi khảo sát tại một địa phương ở ĐBSCL, họ đề nghị hỗ trợ kinh phí 200 tỷ đồng, làm đoạn sông bị sạt lở cho 50 - 70 hộ dân bị ảnh hưởng. Số tiền này bằng toàn bộ vốn đầu tư xây dựng của cả huyện.

“Số tiền này chúng ta dùng để làm một tuyến đường vài chục cây số phục vụ cho mấy vạn người dân, hay dùng làm kè sông cho mấy chục hộ dân?”, ông Đông nêu, và nhấn mạnh khi đầu tư phải tính đến yếu tố lợi ích kinh tế. Tương tự về đầu tư cho giao thông, ông Đông đồng ý với việc phát triển đồng đều, nhưng không được dàn trải, ở đâu lưu lượng giao thông cao thì phải bố trí đầu tư trước.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm đối với 72 dự án kém hiệu quả, Thứ trưởng Đông tỏ ra không đồng tình với phân tích của đại biểu Tạ Văn Hạ. Theo ông Đông, luật đã phân cấp rõ trách nhiệm của từng cơ quan, trong đó Bộ KH&ĐT phân bổ vốn và thực hiện giám sát.

Chưa thực sự thỏa mãn với phần giải trình trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Việc triển khai có phần lúng túng, có vi phạm của một số địa phương, vậy nguyên nhân do đâu, do Luật Đầu tư công hay do tổ chức thực hiện chưa tốt? Luật quy rõ trách nhiệm rồi, vậy thì những tồn tại, hạn chế thời gian qua, trách nhiệm thuộc về ai, Bộ KH&ĐT có trách nhiệm gì, bộ ngành khác có trách nhiệm gì? Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được đại diện Bộ KH&ĐT giải trình rõ.      

“Vì không rõ trách nhiệm nên việc kiểm tra giám sát buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm, phân bổ xong là xong, còn đồng vốn đi đến đâu, hiệu quả thế nào lại không rõ ràng, không đi đến cùng. Đây cũng là nguyên nhân của 72 dự án (gần 43 nghìn tỷ) đầu tư không hiệu quả”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ