7 ngày đi chợ phiên ở Lào Cai

7 ngày đi chợ phiên ở Lào Cai
Là một trong những địa phương có nhiều chợ phiên độc đáo, Lào Cai hút khách du lịch bởi sự khác biệt nằm ngay chính các ngày họp.

Thứ hai chợ Bản Phiệt

Chợ phiên Bản Phiệt thuộc xã Bản Phiệt huyện biên giới Bảo Thắng. Chợ họp vào ngày thứ hai hằng tuần ngay sát quốc lộ 4D. So với các phiên chợ Lào Cai, chợ Bản Phiệt khá nhỏ và không quá đông đúc nhưng là nơi trao đổi buôn bán của các đồng bào dân tộc trong vùng. Đa số những người đi chợ phiên Bản Phiệt là người Mông trắng. Chợ bắt đầu từ sớm khi cái lạnh vẫn quyện lẫn hơi sương. Ở miền núi bao giờ cũng vậy, những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất luôn được chọn mặc vào ngày đi chợ hay đi hội.

Thứ ba chợ Cốc Ly

Cốc Ly là chợ phiên vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, họp vào mỗi thứ ba hàng tuần. Chợ được chia thành từng khu riêng biệt: khu bán thổ cẩm, khu bán các sản vật miền núi, khu bán gia súc, khu ẩm thực. Bà con tham gia trao đổi mua bán chủ yếu là người Mông Hoa, người Dao khuyển (Dao Đen) và người Nùng. Cốc Ly không chỉ nổi tiếng bởi phiên chợ “hàng đổi hàng” mà do nằm ngay cạnh chiếc cầu treo bắc qua sông Chảy nên nơi đây còn là một điểm du lịch hấp dẫn.

 Cầu treo dẫn đến chợ phiên Cốc Ly. Ảnh: nto.vn
Cầu treo dẫn đến chợ phiên Cốc Ly. Ảnh: nto.vn.

Thứ tư chợ Cao Sơn

Chợ Cao Sơn nằm trên địa phận xã Cao Sơn, huyện Mường Khương. Đây là phiên chợ của đồng bào dân tộc Mông, Phù Lá, Dao và Hán đen sinh sống ở 4 bản lớn nhất của huyện Mường Khương. Chợ Cao Sơn được chia thành nhiều khu: khu bán các loại hoa quả, rau củ, khu bán gia súc, gia cầm và đặc biệt là khu vực bán các món đặc sản nổi tiếng của người dân tộc như: thắng cố, rượu ngô Cốc Dâm. Vào phiên chợ, trên khắp mọi nẻo đường, từng đoàn người xúng xính áo quần kéo về tạo nên bức tranh sinh động cho vùng sơn cước nơi đây.

Thứ năm chợ Lùng Khấu Nhin

Chợ Lùng Khấu Nhin thuộc huyện Mường Khương họp phiên vào sáng thứ năm hàng tuần, là một trong số những phiên chợ có tiếng của tỉnh Lào Cai và cả vùng Tây Bắc rộng lớn. Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, Lùng Khấu Nhin tràn ngập những màu sắc rực rỡ của váy áo, của chăn đệm, của bắp cải xanh mướt, quýt vàng ruộm… Ngay từ đỉnh con dốc cách chợ một quãng, sắc tươi tắn ấy đã hiển hiện và nỗi bật giữ núi rừng. Người mua bán ở đây là đồng bào các dân tộc H'Mong, Nùng, Mán, Kinh...

 Một góc chợ Lùng Khấu Nhin huyện Mường Khương. Ảnh: abudulla.saheem
Một góc chợ Lùng Khấu Nhin huyện Mường Khương. Ảnh: abudulla.saheem.

Thứ sáu chợ Chậu

Từ thế kỷ XIX, huyện Mường Khương đã có các phiên chợ vùng cao để trao đổi hàng hoá. Bên cạnh các chợ phiên nổi tiếng như Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Bản Lầu..., chợ Chậu thuộc xã Lùng Vai từ lâu đã trở thành trung tâm buôn bán nổi tiếng ở miền Đông châu Thuỷ Vĩ. Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ trao đổi tâm tình của những người bạn tâm giao, nơi hò hẹn của nam, nữ các bản làng. Đến chợ Chậu, du khách còn được khám phá Mường Khương hùng vĩ với nhiều truyền thống văn hoá dân tộc, giàu bản sắc còn tồn tại lưu truyền đến ngày nay.

Thứ bảy chợ Cán Cấu, Pha Long

Chợ phiên Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) họp ngay ven đường 153, con đường đất đỏ duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai. Chợ phiên Cán Cấu là chợ của người Mông, người Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. Đây được coi là chợ trâu lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chợ Pha Long (huyện Mường Khương) là trung tâm mua bán của bà con các xã Pha Long, Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Tả Gia Khâu của huyện. Khi chợ vào phiên, các tộc người Mông, Lô Lô, Tày, Nùng, Giáy... tụ họp về đây khiến khung cảnh chợ rộn ràng, đông đúc. Trong đó, náo nhiệt, ồn ào và bắt mắt nhất là khu bán hàng thổ cẩm. Phiên chợ Pha Long còn nổi tiếng với lễ hội Gầu Tào mỗi khi Tết đến xuân về. Nếu đi vào thứ bảy, bạn có thể ghé chợ Y Tý nằm bên biên giới Việt - Trung.

Chủ nhật chợ Bắc Hà, Sapa, Mường Hum

Trong các phiên chợ họp chủ nhật ở Lào Cai, nổi bật nhất phải kể đến chợ phiên Bắc Hà, được bình chọn là một trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á. Chợ Bắc Hà còn là chợ phiên duy nhất cả nước có khu dành riêng cho mua bán ngựa với hàng trăm con ngựa được mua bán mỗi phiên.

 Chợ phiên Bắc Hà nhìn từ cao. Ảnh : Lê Hưng
Chợ phiên Bắc Hà nhìn từ cao. Ảnh : Lê Hưng.

Chợ phiên Sapa nằm ngay trung tâm thị trấn. Vào ngày chủ nhật tại đây có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩm thủ công; các món ăn dân tộc cùng nhiều lâm sản quý. Đây còn là dịp bà con vùng cao đi chợ và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi...

Ngoài ra, bạn có thể ghé chợ Lùng Phình (Bắc Hà), Mường Hum (Bát Xát) vào ngày chủ nhật trong tuần.

Theo Kim Anh
Ngoisao.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.