7 gia đình bị 'treo án' vượt biên: Người trực tiếp điều tra nói gì?

7 gia đình bị 'treo án' vượt biên: Người trực tiếp điều tra nói gì?
TP - Những người quản lý, những người liên quan đến số phận của 7 thành viên trên tàu BTT-07 khi chúng tôi hỏi có cơ sở nào chăng, dù là rất nhỏ để đi đến kết luận họ đã vượt biên, tất cả đều lắc đầu.

>> 25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên

7 gia đình bị 'treo án' vượt biên: Người trực tiếp điều tra nói gì? ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Đằng

Trên Tiền phong đã đăng tải phóng sự điều tra “25 năm - Nỗi đau của 7 gia đình bị “treo án “ vượt biên” đề cập đến một nghi án cách đây hơn 1/4 thế kỷ. Kết luận buộc tội của cơ quan CA thời kỳ đó đã đẩy 7 gia đình và thân nhân của 7 thuyền viên trên tàu BTT- 07 vào vòng hệ lụy với những khổ đau, cay đắng trong suốt 25 năm.

Có hay không người thân của họ vượt biên, phản bội Tổ quốc? Ai và cơ quan nào sẽ minh oan và trả lại thanh danh cho người thân của họ? Những câu hỏi đó đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan chức năng nào trả lời. Và 7 gia đình có người thân trên tàu BTT-07 vẫn bền bỉ đi tìm sự thật.

Trong bài viết này, phóng viên báo Tiền phong tiếp tục cung cấp những thông tin liên quan đến số phận của 7 con người trên tàu BTT-07 để các cơ quan chức năng có thêm căn cứ sớm kết thúc chuỗi ngày khổ đau của 7 gia đình trong nghi án “vượt biên, phản bội Tổ quốc” mà báo Tiền phong đã thông tin đến bạn đọc.

Gặp những người liên quan

Đến bây giờ trong hồ sơ cán bộ của Sở GT-VT Quảng Bình không mảy may có một dòng, một chữ nào về 7 con người trên tàu BTT-07. Mặc dù, trước khi bị mất tích họ là thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thuyền viên trong biên chế Nhà nước thuộc Cty Vận tải thủy Bình - Trị - Thiên (VTTBTT).

Có một nguyên nhân khách quan, đó là năm 1989, Bình-Trị-Thiên chia tách thành Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đồng thời với nó là việc giải thể Cty VTT này.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì việc không bàn giao hồ sơ của 7 con người trên tàu BTT-07 là có chủ định với lý do... chính trị là tội “vượt biên, phản bội Tổ quốc” đã được khẳng định trong Công văn 342/PA 17 do ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc CA Bình-Trị-Thiên thời đó ký. Đó là một trở ngại cho việc tiếp cận và đi tìm những thông tin liên quan về họ.

Rất khó khăn chúng tôi mới tìm gặp được ông Lê Đình Hòa và ông Đinh Huy Tịnh. Thời điểm mà tàu BTT-07 mất tích thì ông Lê Đình Hòa đang giữ chức Trưởng phòng Tổ chức của Cty VTT này. Còn ông Đinh Huy Tịnh đang là Phó Chủ tịch Công đoàn của Cty.

Với vẻ mặt đăm chiêu tư lự với nhiều trắc ẩn, ông Hòa còn nhớ như in những gì thuộc về 25 năm trước. Trong tâm trí ông không lúc nào là ông không nghĩ về họ, về số phận của con tàu xấu số cùng với 7 con người trên tàu từng là đồng nghiệp, đồng chí của ông.

Ông Hòa kể rằng, lệnh của lãnh đạo Cty điều họ ra tận Hải Phòng nhận con tàu BTT-07 đang sửa chữa tại đó để vận chuyển đường ống thép vào kịp giao hàng tại cảng Quy Nhơn.

Đây là loại tàu VS với tải trọng chỉ trên 50 tấn. Theo ông Hòa, chiếc tàu này thuộc thế hệ tàu đầu tiên của Cty, nên nó thường hay bị hư hỏng và đã từng được sửa chữa nhiều lần.

Ông Hòa còn nhớ họ lên đường ra Hải Phòng vào đầu tháng 2/1982, còn từ Hải Phòng họ lên đường vào Quy Nhơn ngày nào thì ông không thể biết. Có một điều chắc chắn, trong thời gian đó, ngoài biển Đông có một đợt gió mùa rất mạnh.

Một thời gian sau đó, không thấy tàu BTT-07 vào trả hàng tại cảng Quy Nhơn thì Cty mới biết tàu bị mất tích. Cty đã tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Thông tin về tàu BTT-07 được báo cho cơ quan CA để cùng phối hợp điều tra, xác minh, kết luận về số phận con tàu.

“Người bên CA nhiều lần xuống làm việc với lãnh đạo Cty và chúng tôi không thể biết từ trên cơ sở nào họ (CA) đi đến kết luận là thuyền trưởng tàu cùng các thuyền viên đã chiếm đoạt tàu vượt biên, phản bội Tổ quốc.

Khi CA đã kết luận như vậy rồi, thời đó, chẳng có ai dám nói ngược lại. Riêng bản thân tôi, tôi không bao giờ tin, những người từng vào sống ra chết trong chiến tranh ác liệt, những đảng viên, có người đã từng được truy điệu sống 3 lần, lại có thể bán rẻ Tổ quốc vì miếng cơm manh áo tầm thường.

Dù nghi ngờ, ấm ức trước kết luận của CA, nhưng chúng tôi cũng bất lực không ai dám kiến nghị bên CA xem lại kết luận của mình...” – Ông Hòa nói.

Ông Tịnh ngồi nghe và đồng tình với những gì mà ông Hòa nhớ lại. Ông Tịnh bổ sung: Theo như thông tin mà chúng tôi có được ngày đó thì trên tàu BTT-07 không chỉ có 7 người.

Nhiều thông tin khẳng định rằng có vài người xin đi nhờ tàu BTT-07 vào miền Trung. Vì lúc đó phương tiện đi lại rất khó khăn. Trong đó có anh Hồ Minh Sơn quê Lý Hòa, là người của Cty đi nhờ trên chuyến tàu xấu số này và cũng bị mất tích.

Ngày đó, nhiều tàu của Cty bị chìm và mất tích. Đơn cử như tàu BTT-23 (tàu Quảng Trị) cũng bị chìm và mất tích ngoài biển, nhưng họ lại không bị kết luận là vượt biên. Bối cảnh chính trị thời kỳ đó hầu như ai cũng biết rằng, có sự mất đoàn kết nghiêm trọng trong nội bộ giữa Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. 7 người trên tàu này đều là người Quảng Bình cả. Liệu có một kết luận chủ quan và đầy định kiến nào đó chăng?

Trong bản xác nhận của ông Nguyễn Khắc Tuynh - Bí thư Đảng ủy Cty và Phạm Sơn Hùng - Trưởng phòng điều độ của Cty thời đó thì việc tàu BTT-07 mất tích, không cập cảng Quy Nhơn là sự thực.

Còn việc những người trên tàu đã dùng phương tiện của Nhà nước để vượt biên, phản bội Tổ quốc hay không thì chưa có chứng cứ rõ ràng và thuyết phục để kết luận.

Những người quản lý, những người liên quan đến số phận của 7 thành viên trên tàu BTT-07 khi chúng tôi hỏi có cơ sở nào chăng, dù là rất nhỏ để đi đến kết luận họ đã vượt biên, tất cả đều lắc đầu. Và sự thực là hơn 25 năm qua không hề có bất cứ một thông tin nào về họ.

Kết luận không đủ cơ sở

Mấy tháng trời dò hỏi và tìm kiếm chúng tôi tìm được người muốn gặp. Ông Nguyễn Văn Đằng, nguyên là Đội trưởng Đội trinh sát PC17, người trực tiếp điều tra vụ án này. Ông nghỉ hưu từ năm 1991 với cấp bậc đại úy. Hiện ông đang sống ở Hàm Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình).

Ông rất thận trọng khi trao đổi với chúng tôi những thông tin về vụ án này. Ông bảo sự việc diễn ra đã quá lâu rồi, nên giờ ông không nhớ rõ trong báo cáo của mình gửi lên cấp trên ông có khẳng định là họ có vượt biên hay không.

Nhưng điều này thì ông nhớ rất rõ, toàn bộ tài liệu và căn cứ để điều tra viên bám vào và coi đó là mấu chốt của vấn đề là một thông tin được coi là “mật” vỏn vẹn thế này: Người của ta (ngoại tuyến) bằng ống nhòm phát hiện có một chiếc tàu vỏ sắt loại nhỏ, không rõ biển số, trên có dây phơi áo quần màu bộ đội, đang neo đậu tại cảng Xanh (Hồng Công). Chỉ có vậy.

Có lẽ từ thông tin mù mờ đó dẫn dắt đến kết luận tàu BTT-07 đã vượt biên? Ông Đằng cam đoan: Hồ sơ vụ việc này từ khi ông thụ lý năm 1982 cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1991 không có bổ sung tư liệu nào thêm ngoài mẩu thông tin đó. Nghĩa là không có thêm bất cứ tư liệu nào ngoài tư liệu mong manh đó để khẳng định tàu BTT-07 vượt biên.

Cũng theo ông Đằng, nếu ngày đó ông có đề xuất lãnh đạo kết luận tàu BTT-07 theo hướng vượt biên, thì bây giờ nghĩ lại, kết luận đó không đủ cơ sở, thiếu căn cứ thuyết phục. Người quan sát qua ống nhòm từ xa, không rõ biển số và tàu VS không riêng gì Cty Vận tải Bình-Trị-Thiên có.

“Thêm nữa, thông tin này chỉ để tham khảo vì nó rất mù mờ, nếu dùng nó để đi đến một kết luận liên quan đến sinh mệnh chính trị của nhiều người sẽ rất hồ đồ, chủ quan và ấu trĩ. Kết luận như thế là vội vàng. Vấn đề còn lại ở chỗ, khi thấy kết luận thiếu cơ sở thì chúng ta cầu thị để sửa sai và minh oan cho họ...” – Ông Đằng nói.

Ông Võ Đức Tiến, em ruột của ông Võ Vĩnh Viễn, thành viên đi trên tàu BTT-07, nguyên là trung uý CA. Khi anh trai bị treo án vượt biên đã buộc phải ra khỏi ngành nói với chúng tôi trong nước mắt rằng: Đời tôi bầm dập và trần ai từ ngày đó. Ngay như bố tôi, một cán bộ tiền khởi nghĩa cũng vào vòng nghi án này. Tôi thấy vụ việc này thật lạ.

Với mối quan hệ thân thiết cùng các anh em hiện đang công tác trong ngành CA, tôi cố tìm trong hồ sơ của vụ án này liệu có báo cáo nào của trinh sát để khẳng định anh tôi vượt biên hay không, nhưng, tuyệt nhiên không có báo cáo nào. Chỉ một mẩu thông tin mù mờ như thế và họ kết luận...

Theo thông tin của chúng tôi thì sau khi báo Tiền phong đăng tải vụ việc, CA Quảng Bình đang vào cuộc để có kết luận thực hư về nghi án vượt biên này.

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng đã được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo làm rõ và kết luận về nghi án này. 7 gia đình và thân nhân của 7 thuyền viên trên tàu BTT-07 vẫn khắc khoải chờ đợi một kết luận rõ ràng, minh bạch về số phận con tàu và người thân của họ.

MỚI - NÓNG