64 thí sinh gian lận ở Hòa Bình: Không công bố vì sợ... phụ huynh tổn thương?

Có nên giữ kín danh sách 64 thí sinh gian lận ở Hòa Bình?
Có nên giữ kín danh sách 64 thí sinh gian lận ở Hòa Bình?
TPO - Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết đã tiếp nhận danh sách thí sinh được cơ quan điều tra xác định là điểm thi có sự can thiệp. Tuy nhiên, danh sách này vẫn được giữ kín, không công bố trước công luận. Câu hỏi đặt ra là, có nên giữ kín danh sách 64 thí sinh này để xã hội cùng biết hay chỉ gửi cho các bên liên quan?

Sao lại sợ sinh viên “dởm” bị tổn thương?

Nêu quan điểm về vấn đề công bố danh sách thí sinh, bà Đinh Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, trong công văn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng thống nhất chung trong anh em là khi có kết quả sẽ cập nhật lên phần mềm và  thông tin đến cá nhân các thí sinh có liên quan và các trường ĐH, CĐ. Làm sao để thông tin đó  đến đúng người cần.

Cũng theo bà Hường, vì tuổi của các thí sinh hiện đang 17, 18, đang ở tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột. Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em.  Nhưng chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo Tiền Phong, độc giả Phạm Bình Phương đặt câu hỏi, liệu việc không công bố này có phải xuất phát từ chính học sinh không hay là  sợ "phụ huynh" tổn thương thì đúng hơn?

“Làm bài được khoảng bao nhiêu phần trăm bài thì thí sinh dư biết, cớ sao có số điểm cao như thế thì thí sinh cũng biết rất rõ chứ sao gọi là tổn thương được?”- độc giả này nhấn mạnh.

Còn độc giả Huỳnh Trung cho rằng, các lãnh đạo cứ nói mãi về cái gọi là "sợ tổn thương" các thí sinh trong cuộc gian lận này mà chưa từng nói về sự tổn thương của những thí sinh khác bị tước bỏ ước mơ bởi sự gian lận kia. Ai sẽ bồi thường cho các thí sinh khác kia đây?

“Giúp các em gian lận điểm thi, chính người lớn mới làm các em bị tổn thương”- một độc giả khác nêu quan điểm.

Cần công bố cả “người mua điểm”- phụ huynh?

Dư luận cũng cho rằng , 64 trường hợp gian lận thi cử ở Hòa Bình có không ít em được đỗ vào trường đại học cũng đồng nghĩa với việc đã cướp đi cơ hội của từng ấy thí sinh khác học thật, thi thật. Và sau gần một năm mới đưa ra kết luận sau mùa tuyển sinh 2018 đã tước đi cơ hội của nhiều người khác. Điều cần làm lúc này là cần xử lý thật nghiêm để tương lai không xảy ra những vụ như thế này nữa.

Chia sẻ với Tiền Phong, một độc giả cho rằng, không chỉ cần công bố danh sách thí sinh được nâng điểm mà chính người mua điểm là bố mẹ các thí sinh nữa.

Độc giả tên Hồng nêu quan điểm: Khi họ cố tình gian lận thì họ biết rõ hậu quả rồi, "tổn thương" gì được mà sợ. Sợ họ "tổn thương" thì ai thông cảm cho sự tổn thương thật sự của các em học sinh bị họ đẩy ra ngoài vì gian lận điểm.

Độc giả Trần Hiếu thì cho rằng, những kẻ gian lận cần phải vạch mặt đưa ra ánh sáng, các thí sinh cũng đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi, chúng biết là chúng được mua điểm thì không cần phải giữ kín làm gì. Đây là bài học đầu đời để chúng đứng lên bước tiếp.

Độc giả Văn Minh còn đặt câu hỏi nghi vấn, có phải đa số thí sinh vi phạm này liên quan tới những ông bố bà mẹ có thế lực chính vì vậy mà ngại công bố. Nếu không công khai danh tính thì chính những người thi hành luật đang vi phạm pháp luật. Các em đủ 18 tuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vấn đề liên quan đến mình.

Tuy nhiên, cũng trên Tiền Phong, độc giả Nguyễn Hoàng Huy lại đưa quan điểm khác, chỉ cần công bố những cá nhân, tổ chức, thực hiện gian lận này. Nên giải quyết đúng tinh thần pháp luật là được, không nên công bố danh tính với các học sinh không trực tiếp thực hiện gian lận vì lỗi ở cha, mẹ và các cán bộ quản lý và thầy, cô các cháu.

Còn độc giả Văn Minh Quang cho rằng, nếu không công khai danh sách thí sinh gian lận thi cử ở Hòa Bình vì sợ học sinh bị tổn thương thì tốt nhất là xử lý thật nặng những cá nhân có liên quan trong vụ việc gian lận này.

MỚI - NÓNG