Có mặt tại gia đình ông Huỳnh, trú tại xã Kim Thành, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Là một gia đình thuộc diện cận nghèo, chủ yếu sống nhờ lương hưu, ông Huỳnh không giấu vẻ lo lắng khi nghe về Đề án số hóa truyền hình mặt đất. “Lợi thì có thể thấy rõ rồi, nhưng chi phí mua đầu thu, rồi đóng phí hằng tháng, tiền đâu ra để xem truyền hình”, ông Huỳnh nói. Một số hộ dân khác thuộc các xã Kim Thư, Phương Trung… thuộc huyện Thanh Oai cũng đang có những băn khoăn tương tự về chi phí khi ngừng phát sóng truyền hình analog. Anh Nguyễn Thành Trung, một người dân tại xã Phương Trung cho rằng, việc bỏ ra vài trăm mua đầu thu thì có thể, nhưng để trả cước 80 ngàn đồng/tháng, cả năm là gần 1 triệu đồng thì không phải hộ nào cũng có khả năng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Đề án số hóa truyền hình Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/12/2011. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2015, các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) sẽ kết thúc phát sóng kênh chương trình analog (công nghệ thu hình bằng ăng ten cột, ăng ten dâu), chuyển sang truyền hình mặt đất. Đến năm 2020, hoàn tất công nghệ trên phạm vi cả nước. Công nghệ này là phương thức mới để phát sóng tín hiệu truyền hình, giúp tăng chất lượng dịch vụ truyền hình, giảm nhiễu, phát triển hạ tầng băng rộng. Lãnh đạo Sở TT&TT cũng cho biết, dự kiến sẽ có 62 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tại Thủ đô.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng Phòng Bưu chính - Viễn Thông, Sở TT&TT Hà Nội cho hay, sau khi số hóa truyền hình mặt đất, người dân vẫn có thể xem được hơn 30 kênh truyền hình mà không phải trả tiền. Đó là các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thiết yếu như: VTV1, VTV2, VTV4, VTV5, VTC1, kênh Thông tấn xã Việt Nam, kênh truyền hình ANTV, QPVN... Bên cạnh đó, còn có các kênh truyền hình địa phương không được mã hóa để người dân thu sóng được thuận lợi.