60 triệu nỗi nguy nan

60 triệu nỗi nguy nan
TP - Thời điểm này năm ngoái, thế giới vẫn bình an. Nhưng ai biết lúc ấy hành tinh đang âm thầm “nuôi” một thảm họa thế kỷ mang tên COVID sẽ ập tới chỉ ít ngày sau đó. Tính đến buổi sáng ngày 25/11/2020, sau một năm, thế giới vượt qua mốc 60 triệu ca mắc, với trên 1,4 triệu người chết. Mỗi ngày thêm hơn nửa triệu ca mắc mới!  

Còn ở Việt Nam, cảm giác rằng dường như đã “rất lâu” rồi. Báo chí không còn nóng nữa, và mong sẽ không bao giờ còn “nóng” nữa, với COVID. Việt Nam đã có bao nhiêu ca rồi, bao nhiêu người đã chết, nhiều người hẳn đã “quên”? Quên đi nỗi lo sợ cũng là một bản lĩnh, nhưng thứ đại dịch kinh hoàng ấy có chịu “bỏ quên” chúng ta không? 

Nghĩa trang dành riêng cho bệnh nhân Covid ở Jakarta, Indonesia trong bức ảnh chụp từ trên cao mới đây, từng ngôi mộ như viên gạch màu xanh xếp hàng trên nền trái đất đỏ sậm. Những chấm xanh nhỏ nhoi mỗi ngày lại nối nhau, lan ra…

Bảo tàng London ở Anh đang đi sưu tập những câu chuyện trong giấc mơ của người dân thành phố này về đại dịch COVID-19. Những giấc mơ, thực sự phải gọi là ác mộng, đến với con người ta lúc thức nhiều hơn lúc ngủ. Bảo tàng nay đang phải tạm đóng cửa, sẽ “treo” những giấc mơ đau buồn ấy vào đâu?

Thành Luân Đôn trong đại dịch Cái chết Đen thời Trung cổ giữa thế kỷ 14 đã mất đi 1/3 cư dân (trong tổng số khoảng 100 ngàn người). Tiếp đến, đại dịch hạch (1665-1666) cướp đi hơn 100 ngàn người (1/5 dân số). Những ác mộng chết chóc ấy cũng đang lưu giữ nơi bảo tàng.

Một góc nhỏ bảo tàng ở Luân Đôn trưng bày cuộc đời của Daniel Defoe, người khai sinh nhân vật lừng danh Robinson Crusoe nơi hoang đảo. Nhưng nơi ấy cũng lưu giữ mấy vần thơ của H.F - một nhân vật khác của Defoe: “Một dịch bệnh đáng sợ ở Luân Đôn/ Vào năm sáu mươi lăm/ Đã quét sạch trăm ngàn linh hồn/ Vậy mà tôi còn sống!”. H.F, người thợ đóng yên ngựa trong cuốn tiểu thuyết về đại dịch hạch, như là chứng nhân lịch sử, khi mà khắp nơi người ta chỉ kịp kêu lên rồi chết, mà không có đám tang, không đồ đen, không quan tài không chuông đổ…

Nhưng biết bao nhiêu thời đại qua rồi mà con người đâu có khác nhau? Cảnh hơn ba trăm năm trước, dưới ngòi bút Defoe, người ở phía Đông thản nhiên nhìn dịch bệnh càn quét phía Tây thành phố, nghĩ rằng “nó sẽ chừa mình ra”. Để rồi tất cả cùng phải trả giá. Không có hoang đảo nào ngăn cách được dịch bệnh lây lan và cái chết.

Việt Nam, con số mới nhất có 1.339 bệnh nhân COVID-19, trong đó những ca sau này đều từ nước ngoài về. Nhưng theo Bộ đội biên phòng, hiện mỗi ngày vẫn có hàng trăm người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Làn sóng COVID thứ 3 vào mùa sinh sôi mạnh nhất của dịch bệnh, với chúng ta là khó thể tránh khỏi. Dự đoán năm 2021 là “năm của vắcxin” COVID-19, sẽ hết sức căng thẳng trong “cuộc chiến” đua chen tìm thứ “thuốc giải” này.

Để tự cứu mình, ngay lúc này không cách nào khác là phải tăng cường trận tuyến phòng vệ. Ở mọi cấp độ. Khi đã hơn 60 triệu ca nguy ngập trên thế giới, và con số còn tiếp tục tăng chóng mặt. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.