6 sai lầm cho trẻ ăn

6 sai lầm cho trẻ ăn
TP - Con bạn biếng ăn, chỉ ăn duy nhất đồ ăn chúng thích và không bao giờ chịu thử món ăn mới? Đứng quá lo lắng vì con bạn không phải trường hợp duy nhất.
6 sai lầm cho trẻ ăn ảnh 1
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Rắc rối trong ăn uống là một phần của sự phát triển của trẻ. Trẻ thường hoài nghi cái mới lạ nên nhiều ông bố bà mẹ kiên quyết đến mấy cũng đành chịu trước thái độ “thà nhịn đói chứ nhất định không chịu ăn thử món ăn mới”.

Nguyên nhân chủ yếu là do các ông bố bà mẹ chưa có những “chiến thuật” phù hợp.

Dưới đây là 6 sai lầm các bậc cha mẹ thường gặp nhất trong việc cho con cái ăn uống.

1. Không cho trẻ vào bếp

Với những dao sắc, nồi nước sôi, bếp nóng… thật dễ hiểu khi các bậc cha mẹ không muốn cho con trẻ vào bếp trong lúc họ chuẩn bị bữa ăn. Tuy nhiên, sự tham gia của trẻ vào việc bếp núc là cách chuẩn bị tốt nhất cho bé làm quen với những món ăn mới.

Một nghiên cứu trên 600 trẻ em ở độ tuổi từ mẫu giáo đến học lớp 6 tại trường đại học Columbia, Mỹ cho thấy việc cho phép trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn khiến chúng ăn nhiều những món “do tự tay chúng làm ra” hơn là những món được chuẩn bị sẵn.

Theo giáo sư dinh dưỡng học Isobel Contento, trẻ em thường không thích ăn rau cải, nhưng khi cho trẻ tham gia vào cắt cải và trộn khi làm salad, chúng lại rất thích ăn.

2. Ra lệnh cho trẻ thử những món ăn mới

Các bậc cha mẹ thường yêu cầu trẻ thử, ít nhất là một miếng, nhưng thực ra cách làm này thường phản tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em phản ứng tiêu cực khi cha mẹ ép buộc chúng ăn, thậm chí khi đồ ăn được đem ra làm phần thưởng.

Trong nghiên cứu tại trường đại học Pennsylvania, 1 nhóm trẻ em được yêu cầu nếu ăn rau và uống sữa thì sẽ được xem vô tuyến. Sau một thời gian, những đứa trẻ thể hiện rõ không thích những loại đồ ăn được đem làm phần thưởng.

Theo Lean Birch, giám đốc trung tâm nghiên cứu béo phì ở trẻ em của trường và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, chúng ta thường nói với trẻ  “hãy ăn đi và con được xem TV” nhưng cách thức này thường không mang lại hiệu quả lâu dài. Trước mắt, trẻ có thể hợp tác để thỏa mãn ý thích nhất thời của chúng nhưng về lâu dài chúng thường ít ăn những loại đồ ăn đó.

Cách tiếp cận tốt nhất là đặt thức ăn lên bàn và khuyến khích trẻ nếm thử nhưng đứng cáu gắt nếu như chúng từ chối và cũng đừng khen ngợi nếu như chúng ăn. Giữ thái độ trung lập và chỉ hỏi xem chúng có muốn ăn thêm?

3. Cất giấu những loại đồ ăn mà trẻ thích

Các bậc cha mẹ thường lo lắng khi thấy con trẻ dường như “nghiện” một loại đồ ăn cụ thể nào đó, do vậy thường cất cao hay giấu thứ đồ ăn này đi. Tuy nhiên càng cất giấu như vậy, trẻ càng thích ăn loại đồ ăn này hơn.

Tại nghiên cứu tại trường đại học Penn nói trên, nhóm trẻ thứ nhất được bố trí ngồi vào bàn ăn và được phục vụ không hạn chế táo và bánh quy giòn - loại đồ ăn được chúng liệt vào dạng “chấp nhận được” trong phiếu thăm dò trước đó.

Nhóm thứ hai được bố trí vào bàn có một ít bánh quy giòn để trên đĩa, số còn lại để trong lọ ở giữa bàn. Bọn trẻ nhóm 2 được thông báo chúng chỉ được ăn bánh quy trong lọ sau 10 phút.

Kết quả là nhóm thứ hai ăn lượng bánh quy nhiều gấp 3 lần nhóm thứ nhất.

Bài học cho các bậc cha mẹ: Không mua những loại đồ ăn mà bạn cảm thấy cần hạn chế. Hãy mua những loại đồ ăn mà bạn cho rằng có lợi cho con bạn và để trẻ tự do tiếp cận tủ thức ăn.

4. Ăn kiêng trước mặt con cái

Trẻ em thường tự điều chỉnh thói quen ăn uống theo thói quen của cha mẹ và có xu hướng thử những đồ ăn mà chúng thấy bố mẹ ăn.

Một nghiên cứu của viện Rutger cho thấy trẻ em mẫu giáo có xu hướng thích hoặc không thích những loại trái cây và rau trùng với sở thích của cha mẹ.

Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ em gái có xu hướng trở thành những người ăn uống kén chọn nếu mẹ là người không thích ăn rau.

Chính vì thế, các bậc cha mẹ đang muốn giảm cân bằng ăn kiêng cần lưu ý rằng thói quen ăn uống của họ có thể ảnh hưởng tới nhận thức của con cái về thực phẩm và thậm chí có nguy cơ khiến trẻ có thói quen ăn uống không lành mạnh. Làm bao giờ cũng có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói.

5. Nấu các món rau không ngon

Các bà mẹ thường chỉ làm món rau luộc cho cả nhà vì sợ béo nên rất dễ hiểu là trẻ không hứng thú với món này lắm.

Các nhà dinh dưỡng học cho rằng cha mẹ không nên ngại ngần nấu các món rau thật ngon. Cho thêm một chút bơ, dầu ăn, pho mát hay đường làm trẻ thích ăn chúng hơn. Ngoài ra, thêm chất béo cho rau còn giúp giải phóng các chất dinh dưỡng hòa tan trong mỡ. Thêm vài calo trong món rau cũng đáng để đổi lại cơ hội giúp con bạn thích thú với món này.

6. Thiếu kiên trì

Các bậc cha mẹ thường phàn nàn rằng: “Con tôi không bao giờ ăn món đó”. Điều này cho thấy cha mẹ chưa có đủ sự kiên trì cần thiết.

Cha mẹ cần kiên trì chuẩn bị nhiều món ăn lành mạnh và đặt lên bàn ăn, thậm chí ngay khi trẻ từ chối nếm thử. Với trẻ nhỏ, có thể cần tới cả chục lần trong vòng vài tháng để chúng thử và ăn một món ăn mới.

Nhà dinh dưỡng học Susan Robert đã đưa ra “luật 15”, tức là hãy đặt món ăn bạn muốn con bạn ăn lên bàn ít nhất 15 lần nếu muốn con bạn chấp nhận món ăn đó.

Bạn bè và anh em cũng là một cách có thể sử dụng để thay đổi thói quen của trẻ. Trẻ có thể nếm thử các món ăn mới nếu thấy anh em trong nhà  hoặc bạn bè chúng ăn các loại thức ăn đó.

Trần Lợi
Theo World Health Magazine

MỚI - NÓNG