50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất năm 2019: 4 “bóng hồng” ngân hàng được vinh danh

Ảnh: internet
Ảnh: internet
TP - Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.  Trong danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất, lĩnh vực kinh doanh vẫn chiếm đa số và đặc biệt hơn, khi có tới 4 nữ là lãnh đạo và doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tiền Phong xin giới thiệu.

Bà Nguyễn Thị Hồng: Cánh hồng “đặc biệt”

 Ngày 16/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1418 bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Bà Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1968, quê quán Hà Nội. Bà Hồng từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Cán cân thanh toán quốc tế, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN.

Với cánh phóng viên nữ theo dõi Ngân hàng, bà Hồng thường được gọi bằng cái tên thân mật: “chị Hồng”. Tiếp xúc với bà Hồng, sẽ thấy bà là “tuýp” phụ nữ có phong thái nhẹ nhàng, giản dị và chân thành. Nữ Phó Thống đốc duy nhất trong Ban lãnh đạo NHNN cũng là người rất giỏi về chuyên môn, có sự am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực tài chính và xử lý vấn đề chuyên môn nhanh nhạy. Bà Hồng cũng được cánh báo chí hết lời khen ngợi và hay “lọt” vô khuôn hình mỗi lần họp báo Chính phủ hay trong các Diễn đàn , Hội nghị bởi khuôn mặt sáng, thần thái đẹp ăn hình, đặc biệt giọng nói khúc triết rõ ràng.

Gần 1 nhiệm kỳ trên cương vị làm Phó tư lệnh ngành một lĩnh vực nóng như Ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chứng tỏ năng lực và ảnh hưởng không nhỏ trong các quyết sách điều hành thị trường cùng ban lãnh đạo NHHN. Bà hiện được xem là “cánh hồng đặc biệt”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Những thương vụ M&A Ngân hàng đình đám

 Sinh năm 1970, bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến nhiều ở cả hai vai trò là phó chủ tịch thường trực HDBank lẫn Tổng giám đốc Vietjet.

Nhắc tới bà Thảo, bên cạnh những thành tích trong cương vị CEO Vietjet mà giới hàng không thế giới ấn tượng và ngưỡng mộ, giới ngân hàng cũng nể phục không kém và gọi bà là “bóng hồng quyền lực”. Từ năm 26 tuổi bà đã tham gia sáng lập và quản trị những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh việc quản trị chiến lược ngân hàng, tài năng kinh doanh ngân hàng của bà được thể hiện qua hai thương vụ M&A đình đám: Thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua công ty tài chính SGVF từ ngân hàng Société Générale (Pháp) rồi liên doanh với tập đoàn hàng đầu về tài chính tiêu dùng và phát hành thẻ của Nhật thành HD SAISON.

Đây được xem là những  thương vụ M&A thành công nhất của giới ngân hàng trong thời gian qua. Từ một ngân hàng nhỏ, HDBank đã vươn lên top 8 các ngân hàng lớn tại Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm. Hiện HDBank có tổng tài sản trên 174.000 tỷ, vốn điều lệ 8.800 tỷ đồng, có hơn 240 chi nhánh và gần 10000 điểm cung cấp dịch vụ tài chính với 11.000 CBNV. Tất cả các chỉ tiêu tài chính đều có sự đột phá theohướng an toàn, chất lượng và tăng trưởng mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Nga: Người đàn bà “quyền lực”

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, thường được gọi với cái tên thân mật Madam Nga, là người từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á.Bà Nga đã tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tài sản lớn như SeABank, 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng...

Năm 1993, khi Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, khi đó bà Nga đã là một trong những người đầu tiên tham gia góp vốn vào ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương.Đến năm 1998, bà chính thức tham gia điều hành với một vị trí trong hội đồng quản trị.Sau khi ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương giải thể, bà Nga đã chuyển sang Techcombank, lúc này đang trong giai đoạn khó khăn và cần nguồn vốn đầu tư mới. Bà đã góp vốn đầu tư và lần lượt nắm các vị trí quan trọng, như Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất, sau đó lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chính trong thời gian bà Nga làm Chủ tịch Techcombank, bà đã kêu gọi được sự tham gia của ngân hàng HSBC vào cuối năm 2005, với 10% cổ phần và sau này tăng lên 20%.

Tuy nhiên, một thời gian sau bà Nga đã rời Techcombank, do không có chung quan điểm với những cổ đông lớn còn lại. Sau khi rời Techcombank, bà Nga vẫn tiếp tục nghiệp ngân hàng khi tham gia đầu tư vào SeABank, khi đó vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng và là một ngân hàng thương mại rất nhỏ ở Hải Phòng. Đến nay SeABank đã có vốn điều lệ lên tới gần 5.500 tỷ đồng.

Bà Nga được biết đến như một người am hiểu, đam mê truyền thông và cũng đã từng làm trong lĩnh vực truyền thông. Bà từng tiết lộ rằng bà rất thích viết lách nên tất cả các bài viết của SeABank bà đều sửa từng chữ, tất cả hình ảnh đưa ra ngoài, tạp chí, báo cáo thường niên... đều được bà xem xét kỹ và duyệt bố cục, màu sắc.

Bà Thái Hương: Chọn Chủ tịch Ngân hàng thay sữa

Bà Thái Hương sinh năm 1958, là phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á. Mặc dù quy định của luật tổ chức tín dụng mới khắt khe, và dù là người đã gắn bó với cái tên TH rất lâu nhưng bà vẫn quyết chọn lựa ngân hàng khi tiếp tục vị trí Tổng giám đốc của BacABank.

Hiện bà Thái Hương vẫn ghi dấu ấn đậm nét ở TH, được Forbes Việt Nam nhắc đến trong vai trò là người sáng lập của tập đoàn này.Ngoài cổ phần khá lớn tại BacABank, bà Thái Hương còn nắm giữ nhiều cổ phần tại các công ty nơi bà đang lãnh đạo và quản lý.Trên lĩnh vực sữa và nông nghiệp công nghệ cao tên tuổi và tần suất xuất hiện của bà Hương khá dày.Tuy nhiên, với Bắc Á, CEO này có vẻ kín tiếng và hiếm khi chia sẻ quan điểm hình ảnh gắn với ngân hàng.

Theo Forbes Việt Nam, điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong danh sách năm 2019 là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại.

MỚI - NÓNG