5 nhà thờ cho lễ Giáng sinh tại Sài Gòn

Ngoài các điểm vui chơi ở trung tâm thành phố, nhà thờ là điểm đến của nhiều du khách để tận hưởng không khí đêm Giáng sinh.

5 nhà thờ cho lễ Giáng sinh tại Sài Gòn

Ngoài các điểm vui chơi ở trung tâm thành phố, nhà thờ là điểm đến của nhiều du khách để tận hưởng không khí đêm Giáng sinh.

Các nhà thờ ở Sài Gòn chủ yếu xây dựng vào nửa sau thế kỷ 19, theo kiến trúc Pháp kết hợp phong cách Rôman, Gothic quen thuộc thời Trung cổ châu Âu. Có công trình xây dựng nhằm làm chỗ dựa tinh thần cho chính quyền thực dân Pháp, có nơi là công trình tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ bản xứ.

Nhà thờ Đức Bà nằm tại đường Đồng Khởi, quận 1. Ảnh: Dulichviet.

Nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ có quy mô lớn nhất thành phố là nhà thờ Đức Bà hoàn thành vào năm 1880, còn gọi là nhà thờ Nhà nước vì do chính quyền thuộc địa Pháp bỏ tiền ra xây dựng, là nơi diễn ra các cuộc lễ lạc chính thức, sau này mới chuyển về cho giáo phận Sài Gòn quản lý.

Vào thời đó, nhà thờ Đức Bà được xem là lớn nhất trong các nhà thờ thuộc địa Pháp, được xây bằng gạch ngói Marseille, kính màu và khung sườn thép mang từ Pháp sang kết hợp với đá xanh Biên Hòa. Các ô cửa cuốn tròn kiểu Rôman cùng cung vòm gãy kiểu Gothic gợi nhớ dạng thánh đường lớn ở Pari, Chartres, Reim.

Nhà thờ Đức Bà hoàn toàn không có chỗ cho nến (đèn cầy) mà được chiếu sáng hoàn toàn bằng đèn điện ngay từ khi xây dựng. Công trình được khởi công ngày 7/10/1877 và được khánh thành vào ngày 11/4/1880. Nhà thờ được thiết kế tại Pháp, thi công xây dựng do kỹ sư ngươi Pháp tên là Bourad chỉ huy thực hiện.

Nhà thờ Tân Định nằm tại 289 Hai Bà Trưng, quận 3. Ảnh: Baoanhvietnam.

Nhà thờ Tân Định

Nhà thờ Tân Định nhỏ hơn, dành cho họ đạo người Việt, tiêu biểu của sự pha trộn nhiều phong cách kiến trúc nhà thờ Pháp, được xây dựng và nới rộng trong nhiều đợt. Khánh thành ngày 16/12/1876, nhà thờ Tân Định là một trong những công trình tôn giáo được xây dựng sớm ở Sài Gòn.

Tọa lạc trên một đường phố nhộn nhịp người xe qua lại, nhà thờ Tân Định có kiến trúc đẹp mắt từ những vòm cung cong cong cho đến các chi tiết chạm khắc tinh xảo. Vào mỗi buổi chiều tà, khi chuông thánh đường ngân từng hồi thánh thót, mây trắng bay về từng cụm, tháp chuông nhà thờ như in trên bầu trời một vệt dài thăm thẳm.

Nhà thờ Huyện Sĩ số 1 Tôn Thất Tùng, quận 1. Ảnh: Panoramio.

Nhà thờ Huyện Sĩ

Nhà thờ Huyện Sĩ được xây dựng theo nguyên mẫu nhà thờ nhỏ ở Pháp. Đây là một trong số hiếm công trình sử dụng vật liệu đá granít Biên Hoà tại mặt tiền cũng như các phần đế và nhất là các cột chính điện. Loại đá này rất cứng nên không có các chi tiết trang trí truyền thống nhưng lại thể hiện ý muốn phô trương sự giàu có.

Nhà thờ có phong cách kiến trúc tân Gothic. Chính điện có vòm chịu lực dạng cung nhọn, cửa sổ có vòm đỉnh nhọn và một số trang trí đặc thù khác.

Tường có cửa sổ nhưng ánh sáng ít vào được bên trong do được sàng lọc. Hậu cung có mộ ông bà Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt) làm bằng cẩm thạch, kể cả tượng hai ông bà đang yên giấc ngàn thu. Huyện Sỹ là người giàu có nhất thời bấy giờ, đã bỏ tiền ra xây cất nhà thờ, nên nơi đây được đặt tên là "Nhà thờ Huyện Sỹ".

Nhà thờ Cha Tam tại 25 Học Lạc, quận 5. Ảnh: Dothi.

Nhà thờ Cha Tam

Nhà thờ Cha Tam hay nhà thờ Phanxicô Xaviê ở Chợ Lớn lại được trang trí hoành phi liễn đối bên trong như đền miếu người Hoa. Ngày 3/12/1900, lễ thánh Phanxicô Xaviê, Đức cha Mossard, giám mục Sài Gòn, đã đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường dành cho người Hoa, tức nhà thờ Phanxicô Xaviê ngày nay.

Ngày 10/1/1902, lễ cung hiến (khánh thành) trọng thể ngôi thánh đường đã được tiến hành. Sau khi xây dựng nhà thờ, cha sở Tam Asson (Đàm Á Tô) còn xây một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, một số nhà ở cho thuê.

Năm 1934, Cha Tam qua đời, mai táng ngay tại khu vực tường cửa vào nhà thờ. Do đó, dân gian thường gọi là nhà thờ Cha Tam. Năm 1990, tháp chuông nhà thờ được sửa lại và cung thánh được tân trang.

Nhà thờ Chợ Quán số 120 Trần Bình Trọng, quận 5. Ảnh: Panoramio.

Nhà thờ Chợ Quán

Nhà thờ Chợ Quán có kiến trúc theo kiểu Gothic, trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực chợ Lớn. Chợ Quán là một trong những họ đạo lâu đời nhất của Tổng giáo phận TP HCM. Nơi đây đã xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên vào năm 1674 do giáo dân từ miền Bắc, Trung vào xây dựng.

Sau nhiều lần xây lại nhà thờ, năm 1887, cha xứ Nicola Ham (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này được khánh thành vào mùng 4 tết Bính Thân (1896) và tồn tại đến nay.

Theo Yutaka
VnExpress

Theo Đăng lại