5 chiến mã nổi tiếng nhất lịch sử quân sự thế giới

Tượng của Alexander Đại đế và chiến mã Bucephalus ở Scotland. Ảnh: War History.
Tượng của Alexander Đại đế và chiến mã Bucephalus ở Scotland. Ảnh: War History.
Bucephalus của Alexander Đại đế và Marengo của Napoleon Bonaparte nằm trong số những con ngựa chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử quân sự.

Bucephalus

Là chiến mã cưng của Alexander Đại đế, Bucephalus từng thuộc về vua Macedonia khi Alexander mới 12-13 tuổi. Ông giành được con ngựa này trong một lần đánh cược với cha mình.

Bucephalus là một con ngựa khổng lồ với một mắt màu xanh. Tên của nó có nghĩa là "đầu bò", do nó có một xoáy lông trên đầu.

Alexander đã trải qua nhiều trận chiến cùng Bucephalus. Các sử gia cho rằng nó đã chết do bị thương trong trận Hydaspes chống lại vua Porus xứ Paurava, một số người khác cho rằng nó chết già. Dù nguyên nhân là gì thì nó cũng thiệt mạng trong chiến dịch của Alexander ở Punjab. Năm 326 trước Công nguyên, Alexander lập một thành phố bên bờ sông Hydaspes, đặt tên là Bucephala để tưởng nhớ con ngựa cưng của mình.

Bucephalus trở thành một trong những con ngựa nổi tiếng nhất trong văn hóa cổ điển, bên cạnh các chiến mã huyền thoại như Pegasus và ngựa gỗ thành Troy. Do danh tiếng của nó và sự nổi tiếng của Alexander Đại đế, Bucephalus đã trở thành tiêu chuẩn của các vị tướng khi khoe ngựa cưng của họ.

Marengo

Ra đời năm 1793, Marengo là một con ngựa Arab nhỏ màu xám chỉ cao 145 cm. Được đưa đến Pháp năm 1799, nó thuộc sở hữu của Lãnh sự thứ nhất và sau đó là hoàng đế Napoleon Bonaparte của Pháp.

Con chiến mã được đặt tên theo trận đánh Marengo giữa quân Pháp và Áo, nơi nó đã giúp chủ nhân đến được nơi an toàn. Nó có sự chắc chắn và lòng dũng cảm của một chiến mã, giúp chủ tung hoành ngang dọc khắp châu Âu, qua các trận đánh như Austerlitz, Jena-Auerstedt và Wagram. Nó bị thương 8 lần trong lúc giao tranh. Trong chiến dịch ở Nga năm 1812, Marengo là một trong 52 chiến mã bọc giáp của Napoleon chạy trốn khỏi cuộc tập kích của Nga và thoát khỏi Moscow.

Khi Napoleon trở lại trong chiến dịch 100 ngày, ông lại cưỡi Marengo. Con ngựa này bị bắt ở trận Warterloo và bán cho một đại úy trong lực lượng vệ binh của Anh. Sau khi Marengo qua đời ở tuổi 38, bộ xương của nó được trưng bày ở Bảo tàng Quân đội Quốc gia ở Chelsea, Anh. Hai móng của nó được gia công thành hộp đựng thuốc lá và lọ mực.

Copenhagen

Đối thủ lớn nhất của Napoleon cũng có chiến mã nổi tiếng không kém là Copenhagen. Sinh năm 1808, chiến mã này lai giữa giống Arab và ngựa nòi. Tên của nó được đặt để vinh danh chiến thắng của Anh ở trận chiến Copenhagen lần thứ hai, một năm trước khi nó ra đời. Copenhagen là con ngựa nhỏ, lực lưỡng, có lông màu nâu hạt dẻ với hai gót móng màu trắng.

Ban đầu, nó là con ngựa đua từ năm 1811-1812. Sau đó Copenhagen được bán cho Ngài Charles Vane và đưa đến bán đảo Tây Ban Nha, trước khi tới tay một đại tá đại diện cho công tước xứ Wellington. Vị công tước này đã cưỡi nó trong vài trận đánh, đặc biệt là trận Waterloo, nơi ông ở trên yên ngựa liên tục trong 17 giờ. Được tháo cương sau khi giành chiến thắng, con ngựa tung vó suýt trúng đầu chủ sau khi công tước Wellington vỗ vào hông nó.

Sau chiến tranh với Napoleon, công tước Wellington tiếp tục cưỡi Copenhagen trong các nghi lễ và diễu hành, trước khi cho nghỉ hưu ở khu đất của ông ở Stratfield. Nó sống nhàn nhã và qua đời ở tuổi 28. Copenhagen được chôn cất theo nghi thức quân đội, trong tang lễ có sự chứng kiến của vị công tước. Nhiều năm sau, người ta đề nghị công tước khai quật bộ xương của Copenhagen để trưng bày cùng Marengo nhưng bị từ chối.

5 chiến mã nổi tiếng nhất lịch sử quân sự thế giới ảnh 1

Simón Bolívar và ngựa Palomo. Ảnh: War History.

Palomo

Chiến dịch giải phóng của Simon Bolivar, nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, đã giúp ông trở nên nổi tiếng ở Mỹ Latin trong nhiều năm. Trong suốt chiến dịch này, ông luôn cưỡi tuấn mã Palomo. Đó là một con chiến mã cao, màu trắng, có đuôi gần chạm đất, nổi bật giữa đội quân của lực lượng giải phóng.

Palomo được một cụ bà nông dân ở Santa Rosa de Viterbo tặng cho Bolivar năm 1819, ngay trước trận Boyaca. Con ngựa nổi tiếng này không may qua đời khi đang tham gia một chiến dịch hành quân dài, sau khi Bolivar cho một sĩ quan thuộc cấp mượn. Nó được chôn cất ở cạnh một nhà thờ nhỏ, bộ móng được trưng bày ở bảo tàng Mulalo.

Traveller

Sinh năm 1857, ban đầu Traveller là một con ngựa lai Mỹ có tên Greenbrier, đặt theo tên một quận ở bang Virginia. Con ngựa này cao 163 cm, nặng 500 kg, có vẻ ngoài mạnh mẽ với lông màu xám điểm đen cùng phần đuôi và bờm dài.

Tháng 2/1862, đại tướng Robert E. Lee, tư lệnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ, mua nó với giá 200 USD, đặt tên lại cho nó là Traveller. Tướng Lee rất tự hào với con ngựa này, đặc biệt là vì màu lông của nó. Traveller đã cùng tướng Lee tham gia nhiều trận đánh trong cuộc nội chiến.

Tuy nhiên trong trận đánh Bull Run lần hai, khi đi qua cầu, Traveller đã hoảng sợ chồm lên, khiến tướng Lee ngã gãy hai tay, buộc ông phải nằm trên xe cứu thương.

Trong lễ tang tướng Lee năm 1870, Traveller theo sau linh cữu với tấm vải đen trên yên cương. Một năm sau, Traveller bị nhiễm trùng uốn ván ở móng và được bắn chết để giải thoát khỏi đau đớn.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.