5 “bài toán lớn” với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KH-ĐT không ngừng bứt phá, tiên phong với vai trò tham mưu trưởng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KH-ĐT không ngừng bứt phá, tiên phong với vai trò tham mưu trưởng
TP - Biểu dương những kết quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thời gian qua, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị bộ phải thẳng thắn nhìn nhận, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời nêu ra 5 “bài toán” mà bộ cần tìm lời giải.

Nguy cơ tụt hậu 

Ngày 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Bộ KH-ĐT. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ cơ quan bộ, mà toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến tích cực…
“Thành quả của 30 năm đổi mới đã làm thay đổi căn bản diện mạo của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Nếu so sánh năm 2018 với năm 1989, quy mô GDP nước ta đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần. Đây là thành tựu đáng kể”, người đứng đầu Bộ KH-ĐT nói. 
Tuy nhiên, ông Dũng cũng bày tỏ lo ngại khi nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng; bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, các vấn đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, hội nhập đặt ra nhiều thách thức... 

Bộ trưởng Dũng kiến nghị: Thủ tướng cho phép triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án về mô hình tổ chức cơ quan bộ theo hướng hình thành một cơ quan có chức năng chủ yếu về cải cách và phát triển.

Thủ tướng chỉ đạo tổ chức họp hội đồng quy hoạch quốc gia và sớm nghe Bộ KH-ĐT báo cáo về đề án phân vùng kinh tế để kịp thời phục vụ xây dựng quy hoạch vùng... Chính phủ sẽ sớm ký nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Quy hoạch.

Theo Bộ KH-ĐT, các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020. Để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, tạo không gian mới cho tăng trưởng, cải cách kinh tế, phải tiến hành phân vùng để lập các quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030. Bộ đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.

"5 bài toán lớn" 

Biểu dương những thành tựu đạt được của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bộ tiếp tục cải cách, đổi mới tư duy để đáp ứng tình hình phát triển đất nước khi Bộ KH-ĐT được xem là cơ quan “tham mưu trưởng” về kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT có giải pháp trước các nguy cơ kinh tế tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, được đánh giá là còn rất lớn. 

Ngoài ra, theo Thủ tướng, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên đang ngày càng trở nên cấp bách, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng cũng lưu ý nguy cơ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ” hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ làm nảy sinh nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng đặt ra 5 bài toán lớn đối với Bộ KH-ĐT: Thứ nhất với tư cách là bộ tổng tham mưu, bộ phải hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2019 có thể tạo ra bứt phá không những trong năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu các ngành. Thứ hai, làm sao để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới.

Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, làm sao để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Hành trình chiến lược để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thứ tư, đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh; Bộ KH-ĐT cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. 

Thứ năm là đưa ra được chính sách để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT đề xuất chính sách giải pháp cụ thể, không chấp nhận chính sách không khả thi, không hiệu quả.

Lấy minh họa nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 GDP bình quân đầu người nước ta mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức của Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức của Hàn Quốc năm 2015.

MỚI - NÓNG