Khu vực trước cổng tòa án lúc 7h sáng nay. Ảnh: Tân Châu |
Ngay từ sáng sớm, khu vực trước trụ sở TAND TPHCM có khá đông lực lượng tham gia bảo vệ phiên tòa. Đến khoảng 7h30 sáng nay (8/12), sân tòa vẫn còn khá vắng, rất ít bị hại liên hệ với bảo vệ phiên tòa để vào khu vực xét xử.
Cổng chính vào tòa án lúc 7h sáng nay. Ảnh: Tân Châu |
Thẩm phán Trần Minh Châu (chủ tọa phiên tòa) cho biết, vụ án này có hơn 4.500 bị hại.
Tòa đã triệu tập bị hại từng đợt, theo từng dự án, vì vậy số lượng bị hại chia ra trong nhiều ngày, không tập trung tất cả các ngày. Vì vậy, TAND TPHCM hy vọng phiên tòa sẽ không bị quá tải.
Được biết, HĐXX sẽ dành khoảng 9 ngày để xét hỏi các bị hại theo từng dự án.
Hàng ghế dành cho bị hại. Ảnh chụp lúc 7h sáng nay 8/12. Ảnh: Tân Châu |
Thẩm phán Trần Minh Châu cũng thông tin thêm, tòa án sử dụng khoảng sân trước trụ sở để dựng 3 nhà bạt với sức chứa khoảng 2.000 người để các bị hại và lực lượng hỗ trợ phiên tòa có chỗ làm việc.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong sáng nay, khu vực này được trang bị ghế ngồi, quạt gió, màn hình và camera.
Theo thẩm phán Châu, các camera đặt tại khu vực 3 nhà bạt để truyền tín hiệu hình ảnh trực tiếp từ phiên tòa ra ngoài để các bị hại tiện theo dõi. Ngoài ra, các bị hại sẽ từ bục khai báo đặt ở các nhà bạt này để cung cấp thông tin cho phiên tòa, không cần phải vào phòng xét xử.
Gần 7h sáng nay, chưa có ai vào khu vực dành cho bị hại. Ảnh: Tân Châu |
Tại phiên tòa này, ngoài chủ tọa là thẩm phán Trần Minh Châu, Hội đồng xét xử còn có thẩm phán Phạm Viết Hùng và 2 thẩm phán dự khuyết cùng 3 hội thẩm nhân dân.
Đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa là 3 kiểm sát viên Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền, Châu Hoàng Sơn cùng 3 kiểm sát viên dự khuyết.
Màn hình phục vụ các bị hại được đặt tại trước sân tòa. Ảnh: Tân Châu |
Tòa cũng triệu tập 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gần 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại, 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa này, 2 bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Cty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Cty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị cáo khác bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hai bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Cty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Cty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) bị xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Cty Alibaba) bị xét xử về tội “Rửa tiền”.
Bục khai báo dành cho các bị hại trả lời thẩm vấn của HĐXX, được đặt ngoài sân tòa và có mái che. Ảnh: Tân Châu. |
Theo nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt 2.300 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng tố cáo bị chiếm đoạt với tổng số tiền 2.100 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện được xác định là chủ mưu của vụ án. |