Theo đó, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam có xu hướng “suy giảm đáng kể”, với một số chỉ tiêu giảm, như: Công khai, minh bạch (giảm 7% số điểm so với năm 2014); kiểm soát tham nhũng (giảm 3%); sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân.
“Đa số người được khảo sát nói tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương rất phổ biến. Nhưng động lực và quyết tâm chống tham nhũng trong giới chức nhà nước và người dân lại giảm dần”, báo cáo nhận định. Qua khảo sát, chỉ 3% số người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ tố giác hành vi tham nhũng (chỉ tố cáo khi số tiền bị đòi trên 24 triệu đồng), cùng với đó số người chịu đựng vòi vĩnh, đòi hối lộ cũng tăng nhiều hơn so với các lần điều tra trước.
Theo nhóm tác giả, năm 2015 có sự gia tăng đột biến tỷ lệ người dân phải “lót tay” để làm xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Cụ thể, 44% số người làm thủ tục cấp sổ đỏ nói phải đưa hối lộ mới được làm xong, tăng gấp đôi so với năm 2014 (năm 2014 chỉ ở mức 24%) - đây cũng là chỉ số bị chấm điểm thấp nhất từ năm 2011 tới nay.
Các tỉnh được đánh giá cao về hiệu quả quản trị và hành chính công (và liên tục tăng) trong 5 năm qua gồm: Bắc Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Ninh Bình, Tây Ninh, Phú Thọ… Ngược lại, Lai Châu là địa phương luôn đứng trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong 5 năm qua, xếp trên là Ninh Thuận, Hà Nội và TPHCM cũng được xếp trong nhóm cuối bảng.
Khảo sát PAPI, được thực hiện liên tục từ năm 2011 đến nay, do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cùng Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thực hiện.