4 nữ đại gia 'bí ẩn' chi 6.500 tỷ đồng mua cổ phiếu VPBank

Mạnh tay chi tới  6.500 tỷ đồng mua cổ phiếu VPBank nhưng đây là lần đầu tiên giới đầu tư được biết đến tiếng tăm của các nữ đại gia này.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về việc đã thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Thương vụ này có nhiều điều khá bí ẩn. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng chuyển nhượng cho bà Đỗ Thị Mai 47,54 triệu cổ phần và bà Bùi Bích Hạnh 2,45 triệu cổ phần.

Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên chuyển nhượng cho bà Trần Thị Hương 23,2 triệu cổ phần và bà Đặng Thị Thanh Tâm 26,74 triệu cổ phần.

Tổng số cổ phần chuyển nhượng tương ứng 99,945 triệu cổ phần. Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, VPB có giá khoảng 64.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng giá trị của thương vụ khoảng 6.486 tỷ đồng.

4 nữ đại gia 'bí ẩn' chi 6.500 tỷ đồng mua cổ phiếu VPBank ảnh 1

Trong đó, bà Mai dự chi khoảng 3.085 tỷ đồng, bà Bùi Bích Hạnh là 159 tỷ đồng, bà Trần Thị Hương khoảng 1.505 tỷ, bà Đặng Thị Thanh Tâm là 1.783 tỷ đồng để sở hữu các lô cổ phần tương ứng. Đây đều là các khoản tiền lớn, chứng tỏ tiềm lực tài chính lớn của các nữ đại gia này. Với tài sản này, các nữ đại gia này có thể có mặt trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt.

Giàu có như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên giới đầu tư được biết đến tiếng tăm của các nữ đại gia này.

Tuy nhiên, thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu VPB đình đám này khiến nhiều nhà đầu tư tò mò về doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thương vụ này.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng được thành lập tháng 7/2017, trước thời điểm VPBank lên sàn không bao lâu. Công ty này có địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là bà Đỗ Thị Mai trùng tên với người nhận chuyển nhượng 47,54 triệu cổ phiếu VPB. Thành viên góp vốn tại Quang Đăng cũng chính là Bùi Bích Hạnh, trùng tên với người nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phiếu VPB từ tổ chức này mới đây.

Đáng chú ý, Quang Đăng đã tuyên bố giải thể ngày 6/2/2018 vừa qua với lý do kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến không thể duy trì hoạt động.

Với Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên, công ty này cũng được thành lập tháng 7/2017 cùng địa chỉ với Quang Đăng.

Đại diện pháp luật của Lưu Khuyên là bà Trần Thị Hương, trùng tên với người nhận chuyển nhượng 23,19 triệu cổ phiếu VPB. Công ty Lưu Khuyên cũng đã ra Nghị quyết giải thể dù chỉ mới hoạt động được vài tháng.

Mới đây, VPBank đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018. Theo đó, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ hơn 15.706 tỷ đồng lên mức 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2018, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 359.477 tỷ đồng; Huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 241.675 tỷ đồng; Dư nợ cấp tín dụng đạt 234.320 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và Lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng.

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.