4 nguyên nhân vì sao người trẻ tiết kiệm không hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
Tiết kiệm là một trong những vấn đề quan trọng trong thời đại mức sống cao như hiện nay, đặc biệt là đối với người trẻ chưa có tiềm lực tài chính vững chắc, ổn định. Tiết kiệm sẽ giúp bạn an tâm trước những tình huống khẩn cấp, tiêu tiền hợp lý hơn nhưng đa phần giới trẻ hiện tại lại tiết kiệm không hiệu quả. Nguyên nhân do đâu? Cùng tham khảo 4 lý do sau nhé!
4 nguyên nhân vì sao người trẻ tiết kiệm không hiệu quả ảnh 1

Nguyên nhân 1: Mua sắm bốc đồng

Hầu hết trong chúng ta đã từng bước vào một cửa hàng, mua một món hàng không có trong dự định. Điều này xem chừng vô hại nhưng sự tích góp của hành vi mua sắm “bốc đồng” này về lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của bạn.

Hành vi, quyết định mua sắm của một người được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: giảm giá, khuyến mại khiến bạn nhanh chóng đưa ra quyết định mua mà không cân nhắc nó có thực sự cần thiết không.

Để khắc phục điểm này, tốt nhất bạn không nên mua sắm khi đang đói hoặc cảm xúc bất ổn. Cách dễ nhất là suy nghĩ kỹ càng về lý do tại sao món hàng này cần thiết trong giỏ đồ của bạn? Bạn thực sự cần nó hay chỉ mua nó vì được tiêu thụ bởi quảng cáo. Một mẹo hữu ích là hãy lên danh sách những món đồ cần thiết trước khi đi mua sắm.

Dĩ nhiên, mẹo này vẫn có thể áp dụng với các chiến lược mua sắm online, đặc biệt là những ngày “Siêu sale”, bạn thường dễ dàng lãng quên nguyên tắc tiết kiệm bởi sự thúc giục của đồng hồ đếm ngược thời gian giảm giá. Nếu bạn đang mua sắm trực tuyến và nhìn thấy thứ gì đó mà bạn chắc chắn phải có được, hãy hít thở thật sâu, để món hàng trong giỏ hàng trực tuyến của bạn ít nhất 24 giờ chúng sẽ giúp bạn giảm dần mong muốn và đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

Nguyên nhân 2: Không có mục tiêu tiết kiệm.

Đặt mục tiêu là điều cần thiết trong bất kỳ hoạt động nào để đạt được thành công.

Tiết kiệm triệt để là điều rất khó, nhiều người muốn tiết kiệm để nghỉ hưu, mua nhà, mua ô tô hay xây dựng một quỹ khẩn cấp nhưng lại không có con số cụ thể. Thiếu đi mục tiêu đồng nghĩa với việc thiếu đi động lực để tiết kiệm và thực hiện chúng. Điều này lý giải tại sao các kế hoạch thường thất bại.

Để khắc phục nguyên nhân này, ngay từ bây giờ, bạn cần đặt mục tiêu tài chính cụ thể cho bản thân, tiết kiệm dựa trên mục tiêu đó. Bạn cũng có thể chia nhỏ thành các bước, xác định chi tiết con số mà mỗi tháng cần đạt được để hoàn thành mục tiêu đó.

Tuy nhiên, bạn cần có chiến lược hợp lý, rõ ràng và tránh một số điểm sau:

• Đặt mục tiêu quá cao: việc đặt tiết kiệm lên tới 40% - 50% thu nhập một tháng trong khi mới làm quen với đặt mục tiêu là điều không thực tế, nó sẽ giúp bạn chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.

• Mục tiêu đặt ra không cụ thể: một mục tiêu chung chung sẽ khiến bạn không thực hiện nghiêm chỉnh, giảm hiệu suất tiết kiệm. Cho nên, mục tiêu cần rõ ràng về con số, thời gian và mục đích thực hiện.

Nguyên nhân 3: Không theo dõi chi tiêu.

Việc ngại, lười khiến nhiều bạn trẻ bỏ qua việc theo dõi chi tiêu cụ thể hàng ngày. Điều này chính là một trong những lý do khiến bạn tiết kiệm không hiệu quả. Không theo dõi chi tiêu, bạn sẽ không nắm được các hạng mục ra vào trong tài khoản của mình, không biết bản thân đã chi tiêu hợp lý chưa để kịp thời đưa ra phương án điều chỉnh.

Để khắc phục nguyên nhân này, bạn nên duy trì thói quen ghi lại bằng bảng tính, số ghi chép, ứng dụng phân loại và theo dõi chi tiêu hàng tháng: Spendee, Mint, You Need a Budget, hoặc Personal Capitalm,... Sau khi theo dõi chi tiêu, bạn nên đánh giá lại cách phân bổ tiền của mình cho từng hạng mục, xác định cách chi tiêu tối ưu hơn và lên kế hoạch cho tháng mới.

Nguyên nhân 4: Suy nghĩ chỉ tiết kiệm khi kiếm được nhiều tiền hơn.

Đây là một trong những suy nghĩ phổ biến của giới trẻ hiện nay mỗi khi nhớ đến “tiết kiệm”. Khi kiếm được nhiều tiền hơn không phải thời điểm cụ thể nên rất khó để bạn dựa vào đó để đưa ra kế hoạch tiết kiệm. Do đó, bạn nên hành động dứt khoát và nhanh chóng. Tiết kiệm là sự kỷ luật với số tiền bạn có.

Để khắc phục lối suy nghĩ này, bạn đừng nên đợi đến năm mới, sinh nhật, sau khi tốt nghiệp, khi được thăng chức thì mới bắt đầu tiết kiệm mà hãy coi khoản tiết kiệm là một chi phí cố định phải trả hàng tháng trước khi chi tiêu cho thiết yếu và các khoản mong muốn khác. Hãy ghi nhớ “Hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm, đừng tiết kiệm những khoản còn lại sau khi chi tiêu”.

Bạn có đang nằm trong 4 nguyên nhân trên không? Nếu có thì hãy thay đổi ngay từ hôm nay để hoàn thành mục tiêu tiết kiệm hữu hiệu và lên phương án quản lý tài chính cá nhân tối ưu cho tương lai của chính mình nhé!

MỚI - NÓNG