Cuối tuần trước, mái giếng trời trong một tòa nhà ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị vỡ khiến những người đang đứng phía dưới hoảng loạn. Một số người bị mẩu thủy tinh văng vào người gây xây xát, chảy máu, phải đi cấp cứu.
Hồi cuối tháng 7, anh Lê Hải ở quận Đống Đa (Hà Nội) phải khâu cả chục mũi vì kính nhà tắm vỡ. Cũng có tình huống, kính bàn trà, dù không có tác động bên ngoài, vỡ tung thành từng mẩu nhỏ.
Từ trước tới nay, kính cường lực vẫn được đánh giá an toàn hơn nhiều so với kính thông thường. Loại kính này có khả năng chịu lực gấp 4-5 lần kính thường cùng độ dày. Ngoài ra, khi bị tác động mạnh, kính vỡ vụn thành dạng hạt nhỏ, khó gây sát thương hơn so với kính thường vỡ thành mảnh.
Tuy nhiên, do chất lượng kính, cách thi công không chuẩn xác và tác động của thời tiết nên vẫn xảy ra sự cố bất ngờ. Ngoài ra, việc lựa chọn lắp đặt kính cường lực ở một số khu vực không phù hợp cũng dễ gây ra hậu quả.
Anh Lê Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ gặp sự cố khi đang ở trong nhà tắm. Ảnh: Vân Anh.
KTS Phạm Thanh Truyền chia sẻ một số kinh nghiệm giúp bạn đảm bảo an toàn khi dùng kính cường lực:
- Nên sử dụng kính an toàn có lớp lót dẻo ở mọi khu vực: Đó là loại kính kết hợp hai hay nhiều tấm kính gắn kết với nhau bằng lớp phim dẻo. Lớp lót này có độ bền, bám dính tốt. Khi bị vỡ, vụn kính sẽ bám vào lớp phim này, hạn chế bắn tung tóe, giảm nguy cơ sát thương.
Loại kính này còn có nhiều ưu điểm như tăng khả năng cách âm, tiết kiệm việc tiêu thụ điện của các thiết bị làm mát như máy điều hòa nhiệt độ, quạt.
Về giá cả, kính cường lực có dán phim đắt gần gấp đôi loại không dán phim. Tuy nhiên, bạn nên nghĩ tới sự an toàn của gia đình và những người xung quanh nếu còn băn khoăn về mức giá.
- Không dùng kính (kể cả kính cường lực) ở những vị trí trên cao như mái che giếng trời: Cho dù là loại nào, chất lượng ra sao, kính cũng có tuổi thọ nhất định. Ngoài ra, những tác động xung quanh như nhiệt độ, thời tiết, kỹ thuật lắp đặt... đều ảnh hưởng đến độ bền của kính. Khi kính trên cao vỡ, các mẩu vụn rơi trực tiếp xuống sẽ gây nguy hiểm lớn.
Để lấy sáng cho các khu thông tầng, gia chủ có thể chuyển sang loại tấm lợp lấy sáng polycarbonate có độ trong suốt tương đương với kính, bền và nhẹ hơn, có thể uốn cong. Sản phẩm này có khả năng chống chịu va đập tốt. Khi mua, bạn nên chọn loại được bảo hành chống ngả màu, giúp ánh sáng được chiếu xuyên tốt nhất trong nhiều năm.
- Đảm bảo khe thoáng quanh kính, lắp bản lề, tay nắm chuẩn xác: Lúc thi công, nhiều người gắn chặt bốn phía của tấm kính để khít và đẹp hơn. Khi có sự thay đổi của ngoại cảnh, thời tiết, nhiệt độ, kính bị o ép, dẫn tới rạn và nổ do sự giãn nở.
Ngoài ra, điểm yếu nhất của kính là các cạnh viền xung quanh, đặc biệt là các góc. Búa đập mặt kính không vỡ nhưng đập vào cạnh thì gây tác động khác hẳn. Khi các phụ kiện bị lắp lệch lạc, cánh cửa bị xệ xuống, va đập cũng có thể gây vỡ rạn.
- Độ dày kính từ 8 mm trở lên: Tùy thuộc vào vị trí lắp đặt, kính cần có độ dày phù hợp. Chủ nhà hạn chế dùng loại kính 5 mm rất dễ vỡ. Với các khu vực cố định, cần kính khổ lớn, bạn nên chọn loại có độ dày 10 mm. Với các loại cửa hay đóng mở, kính có độ dày tầm 8 mm là vừa, giúp việc thao tác dễ dàng.