Trong thế chiến I, các cường quốc cho rằng uy lực của xe tăng nằm ở kích thước. Điều đó thúc đẩy những nước như Đức, Anh, Pháp và đế quốc Nga bí mật phát triển hàng loạt dự án siêu xe tăng hạng nặng, theo War History.
K-Wagen
Năm 1917, đế quốc Đức bắt đầu sản xuất A7V, mẫu xe tăng đầu tiên trong lịch sử nước này. Tuy còn nhiều vấn đề, tiềm năng của nó thôi thúc nước này theo đuổi những thiết kế cải tiến, với hi vọng xoay chuyển cục diện chiến trường. Kết quả là sự ra đời của xe tăng K-Wagen.
Đây là tác phẩm của Joseph Vollmer, nhà thiết kế xe tăng tiên phong của Đức. Chỉ một trong hai nguyên mẫu của K-Wagen được hoàn thành sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, chúng đều bị phá hủy theo hiệp ước Versaille, trong đó cấm Đức sản xuất và sở hữu xe tăng quân sự.
Vào thời điểm đó, K-Wagen là cỗ máy đáng sợ khi sở hữu 4 pháo cỡ nòng 77 mm và 7 súng máy. Xe có khối lượng 120 tấn và kíp lái tới 27 người. Dù có hỏa lực mạnh, lớp giáp của xe lại rất mỏng với độ dày 30 mm, ngang với xe tăng hạng nhẹ trong Thế chiến II.
Mendeleev Rybinsk
Thiết kế xe tăng Mendeleev Rybinsk của đế quốc Nga ra đời vào khoảng năm 1915. Nó được đặt theo tên nhà thiết kế Vasily Mendeleev và thị trấn Rybinsk, nơi Mendeleev vẽ bản phác thảo đầu tiên của xe.
Cỗ chiến xa này được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc chiến ở mặt trận phía Đông trong Thế chiến I, nhưng chỉ tồn tại trên giấy và không được chế tạo. Theo thiết kế, Mendeleev Rybinsk có một pháo cỡ nòng 127 mm gắn trong lớp vỏ kiểu toa tàu hỏa nặng 173 tấn và kíp lái 8 người. Xe được gắn nhiều tấm thép, cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn mẫu K-Wagen của Đức. Mendeleev Rybinsk sử dụng một động cơ xăng công suất lớn và hệ thống giảm xóc tiên tiến hoạt động bằng khí nén.
Dự án không nhận được nhiều sự hỗ trợ, khiến Mendeleev tìm cách tự mình chế tạo bản mẫu. Tuy nhiên, quyết tâm của nhà thiết kế vẫn không đủ, khiến xe tăng Mendeleev Rybinsk chỉ dừng ở mức thiết kế.
Char 2C
Char 2C do Pháp chế tạo là siêu tăng duy nhất trong danh sách này được biên chế, cũng là loại xe tăng lớn nhất từng được vận hành. Mẫu Char 2C bắt đầu được phát triển năm 1916, không lâu sau khi Anh cho ra đời xe tăng Mark I, do Pháp muốn phát triển xe tăng vượt trội so với Anh.
Phiên bản Char 2C hoàn thiện dài hơn 10 m, nặng 69 tấn, trang bị một pháo 75 mm cùng 4 súng máy Hotchkiss Mle 1914 cỡ nòng 8 mm bố trí phía trước, hai bên sườn và phía sau.
Một chiếc Char 2C rơi vào tay quân Đức năm 1940. Ảnh: War History.
Sau Thế chiến I, Char 2C dần mất chỗ đứng, bị lấn át bởi các mẫu xe mới nhỏ gọn và uy lực hơn. Trong thập niên 1930, loại xe này không khác gì một con hổ giấy bởi sự lạc hậu, tốc độ thấp khiến chúng dễ bị tiêm kích bom và pháo chống tăng tiêu diệt. Char 2C bị coi là một trong những nguyên nhân chính khiến Pháp nhanh chóng thất thủ trước Đức năm 1940.
Flying Elephant (Voi bay)
Xe tăng Mark I chủ lực của Anh trong Thế chiến I bị đánh giá là dễ tổn thương trước hỏa lực pháo binh. Điều này thúc đẩy nhà thiết kế William Tritton tạo ra mẫu chiến xa có thể chịu được đạn pháo.
Mẫu thiết kế năm 1916 của Tritton mang tên Flying Elephant, có khối lượng 100 tấn, sở hữu giáp trước dày 76 mm, giáp sườn dày 50 mm. Nó có thể chịu được đạn pháo 57 mm bắn thẳng. Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo năm 1916 nhưng không được hoàn thiện do hạn chế trong khả năng cơ động.
Các cường quốc trong Thế chiến I đều bí mật phát triển siêu tăng hạng nặng, nhưng chỉ có Pháp thành công với tăng Char 2C. Tuy nhiên, kích cỡ khổng lồ của chúng nhanh chóng trở nên lạc hậu trong kỷ nguyên oanh tạc cơ và vũ khí chống tăng cỡ nòng lớn ra đời, chuyên gia quân sự Nikola Budanovic nhận định.