Cầu Giồng Ông Tố mỗi ngày cõng hàng trăm lượt xe container quá tải. Ảnh: LT. |
7 giờ 30 sáng 2-10, xe container nối đuôi qua cầu Giồng Ông Tố để vào cảng Cát Lái (quận 2). Chỉ trong 30 phút, đã có gần 40 xe siêu trường, siêu trọng đi qua khiến cây cầu “lão” rung bần bật.
Nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cầu Giồng Ông Tố được xây dựng trước năm 1975 với tải trọng thiết kế 25 tấn. Cách đây vài năm, Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) đã cho sửa chữa mở rộng xà mũ mố, trụ trên cọc thép chữ I để mở rộng mặt cầu, đáp ứng xe container lưu thông.
Với trọng lượng tối đa khoảng 32 -34 tấn cho mỗi container 20 feet thì cầu Giồng Ông Tố luôn ở trong tình trạng quá tải và xuống cấp nhanh chóng. Mố cầu đã xuất hiện một số vết nứt, lún sụt.
Cùng chịu chung số phận là cầu Đúc Nhỏ (QL 13, quận Thủ Đức). Cây cầu có tải trọng tối đa 15 tấn nhưng nhiều xe tải, xe container, xe chở hàng có trọng tải 20-30 tấn vẫn hằng ngày đi qua, dù Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) đã cho cắm biển hạn chế tải trọng từ xa.
Một số nhân viên gác cầu thuộc Công ty Cầu phà TPHCM, vào tháng 1-2011, Công ty đã phát hiện nhiều vết nứt dọc các cánh dầm, mố cầu và đã sửa chữa tạm cho xe 15 tấn lưu thông. Tuy nhiên, nguy cơ sập cầu rất khó tránh khỏi nếu xe quá tải vẫn qua cầu.
Vừa qua, sợ cầu sập, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM sửa chữa nhằm đảm bảo lưu thông nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí.
Nhiều cây cầu yếu khác như cầu Tân Hóa (tải trọng 13 tấn) trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), cầu Rau Răm trên đường Vườn Thơm (huyện Bình Chánh), cầu Bà Bộ, Mỹ Phú và Chợ Đệm có cùng tải trọng 13 tấn trên đường Nguyễn Cửu Phú (huyện Bình Chánh) hằng ngày phải cõng hàng chục xe tải, xe container 20-30 tấn.
Trưa 1-10, có mặt trên cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) nối đường Hai Bà Trưng và đường Phan Đình Phùng, chúng tôi phát hiện các nhịp cầu và mặt cầu xuất hiện những vết nứt kéo dài.
Cuối năm 2011, cây cầu này đã đối mặt nguy cơ sập do bị ảnh hưởng bởi công trình thi công dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè).
Còn cầu Bà Hom (quận Bình Tân) trên Tỉnh lộ 10, cả mố lẫn trụ hiện nay đều bị nứt. Đầu dầm phía Bình Chánh bị hẫng, không kê lên gối cầu, mất an toàn và gây bất an cho người đi đường.
Các cây cầu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi (huyện Nhà Bè) nằm trên đường Lê Văn Lương nối với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Tuy phương tiện vận tải lưu thông nườm nượp nhưng các cầu này rất hẹp và đều được xây dựng bằng kết cấu thép từ trước năm 1975, tải trọng chỉ còn 1 - 2 tấn. Hầu hết đều đã hoen gỉ, xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn giao thông.
Theo ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTVT, TPHCM hiện có trên 1.000 cây cầu với tổng chiều dài trên 55km, trong đó, sở quản lý 374 cầu với tổng chiều dài 37,276km. Số cầu còn lại do UBND các quận, huyện quản lý.
Qua kiểm tra, Sở GTVT xác định có 36 cầu yếu hoặc không đồng bộ tải trọng trên hệ thống đường bộ đang khai thác.
Tổng kinh phí xây mới và sửa chữa khoảng 5.700 tỉ đồng, trong đó, chỉ riêng cầu Bến Đá (huyện Hóc Môn) đã ngốn 2.250 tỉ đồng.
Trước mắt, UBND TPHCM mới chấp thuận xây mới cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ và đã giao Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng mỗi cầu khoảng 200 tỷ đồng. Các cầu còn lại chưa được bố trí vốn.
36 cầu yếu, không đồng bộ tải trọng, gồm: Cầu Bông (quận 1); Lê Văn Sỹ (quận 3); Chữ Y (quận 5); Kiệu (Phú Nhuận); Bà Hom (Bình Tân); Giồng Ông Tố (quận 2); Tôn Thọ Tường, Sơn (Bình Thạnh); Chùm Chụp, Lấp, Làng, Ông Bồn, Kinh, Vàm Xuồng (quận 9); Tỉnh lộ 9, Bến Đá, Nhị Xuân, Nhum Trong (Hóc Môn); cầu kênh N31A - Tỉnh lộ 8, cầu kênh N31A - Ba Sa, Quyết Thắng, Cây Da, Rạch Kè, Rạch Kim, Chuối Nước, Đen, Gia Bẹ, Nội Đồng 1-4, Gò Chùa, Gia Bẹ 2 (Củ Chi); Rạch Gia (quận 12); Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm, Rạch Dơi (huyện Nhà Bè); Nhị Thiên Đường (quận 8).